HÀNH HƯƠNG PHẬT TÍCH - ĐẠI ĐỨC BODHIPALO (TRÍCH HỌ ĐÃ SỐNG NHƯ THẾ) | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

HÀNH HƯƠNG PHẬT TÍCH - ĐẠI ĐỨC BODHIPALO (TRÍCH HỌ ĐÃ SỐNG NHƯ THẾ)



Ðại đức Bodhipalo

Hành hương Phật tích

Tiểu sử

Ðại đức Bodhilàlo (Michael Markham) sinh năm 1948 tại Nottigham, Anh Quốc. Từ bé, đại đức đã theo gia đình dời chỗ rất nhiều nơi, thậm chí đến năm mới vừa tám tuổi, đại đức đã từng sống tại Canada trong thời gian vỏn vẹn mười tám tháng. Sau khi rời ghế nhà trường, đại đức đã đi làm đủ thứ công việc, nhưng điều thật lạ là công việc nào cũng khiến đại đức mau buồn chán. Trong cơn bế tắc của tuổi trẻ, đại đức đã đi du lịch. Cuộc đi đường dài của đại đức đã đánh một vòng từ Châu Âu rồi Trung Ðông và sau đó là Ấn Ðộ và Nepal. Tại Kathmandu, đại đức đã vô cùng thích thú khi tình cờ đọc được một quyển sách viết về thiền học. Sau đó trong thời gian lưu trú tại Benares, nghe tin một khóa thiền đang được tổ chức tại Bodhi Gaya, đại đức đã dốc lòng tìm đến tận nơi để tham dự.

Năm 1972, đại đức về lại Anh Quốc và làm việc ở một nông trại. Nhưng rồi có một cái gì đó thật lạ lùng đã thôi thúc đại đức trở sang Ấn Ðộ năm 1974. Tại Bodhi Gaya (Bồ Ðề Ðại Tràng), đại đức đã xuất gia sa di rồi trong chuyến du lịch tiếp đó, đại đức đã sang Thái Lan thọ giới tỳ kheo tại chùa Pah Pong. Dường như cơ duyên chưa được chín mùi, năm 1976 đại đức hoàn tục và trở về Anh Quốc. Thế rồi chỉ trong một thời gian ngắn, đời sống cư sĩ đã giúp đại đức nhận xét chín chắn con đường mình phải đi, đại đức trở về Thái Lan tái thọ cụ túc giới với Ngài Ajahn Chah.

Năm 1986, vì lý do sức khỏe, đại đức lại về Anh, ở dưỡng bệnh tại chùa Chithurst trong vài tháng để rồi sau đó là chuyến đi hành hương các Phật tích ở Ấn Ðộ. Hiện nay đại đức đang sống tại Thái Lan.

Bài viết sau đây là một lá thư của đại đức gửi từ Ấn Ðộ về chùa Chithurst như một bài du ký ngắn.

Hành Hương Phật Tích

Tôi rời khỏi Sàvatthi (Xá vệ) vào ngày 4 tháng 12 và phải nói rằng tôi đã hết sức may mắn khi có dịp đến tận nơi đây để nhìn nhắm vùng đất thiêng liêng này. Tôi muốn đi bộ từ Sàvatthi đến Lâm Tỳ Ni (Lumbini) - nơi Bồ Tát đản sinh, nhưng rất nhiều người đã khuyên tôi nên bỏ ý định đó. Người ta cho tôi biết rằng với cách bộ hành như tôi thì rất có thể sẽ gặp nhiều nguy hiểm như bị đánh cướp hoặc cũng có thể bị mất mạng, đó là chưa kể đến cái lạnh chết người của trời đêm miền Bắc Ấn. Lẽ ra thì tôi vẫn có thể đi đến những nơi mình muốn bằng rất nhiều phương tiện xe cộ nhưng như vậy thì đâu còn gì là thú vị nữa. Tôi muốn mình được đi bộ len lỏi qua các lùm bụi, tránh được đường cái quan càng nhiều càng tốt, mà điều này thì không thể thực hiện được. Mười lăm năm trước, khi tôi đến đây lần đầu tiên thì các cánh đồng xung quanh Sàvatthi coi như tiêu điều, xơ xác suốt mấy tháng mùa đông. Bây giờ quay lại thì dân chúng địa phương coi như đã tận dụng từng tấc đất. Họ trồng trọt đủ thứ: Lúa đông mạch, mía đường cùng các thứ rau đậu. Ở Nepal bây giờ người ta còn trồng lúa nữa.

Thế rồi, bất chấp những ngăn cản của mọi người, tôi cố tin vào chính mình, vào những may mắn bất ngờ nhất để quyết định đi bộ về Lumbini. Ðến Bulrampur, tôi đã thử đi khất thực. Dù không đủ ăn nhưng tôi cũng tạm lây lất qua ngày. Có một vấn đề cần được giải quyết lúc này là tôi muốn giải thích cho mọi người biết rằng trong lúc khất thực, tôi không thể nhận tiền bạc cùng các thức ăn tươi sống. Tôi cũng ngại việc người ta hiểu lầm tôi là một người da trắng có lối sống hippi quá khích. Tôi đã nhờ một vị sư viết dùm tôi một tấm bản nhỏ (bằng tiếng Hindi) để đem theo bên người, nội dung tấm bản ghi: "Tôi là một nhà sư Phật giáo đang trên đường hành hương Phật tích. Tôi không nhận tiền của ai, chỉ sống bằng đồ ăn khất thực, mỗi ngày chỉ dùng một bữa trưa thôi. Tôi xin cầu nguyện cho những người hảo tâm". Với tấm bảng này, mọi sự trên đường đi xem ra có vẻ dễ dàng hơn. Trong giờ khất thực, tôi đến đứng trước cửa từng nhà khoảng nửa phút, nếu gia chủ không nói gì hết tôi lại đi sang nhà khác. Còn như người ta hỏi tôi muốn gì thì tôi đưa tấm bản kia cho họ đọc. Có thể nói hầu hết mọi người đều đối xử rất tốt với tôi. Nhiều lúc, tôi đã đi qua rồi mà người ta vẫn cứ chạy theo để đặt bát. Những lúc tôi đi trên đường như vậy, thường có một đám trẻ con kéo rồng rắn đi theo phía sau tôi như một cái đuôi. Ðồ ăn khất thực thì bất chừng lắm, có lúc tôi nhận được rất nhiều thức ăn sang trọng rồi có khi đi cả buổi mà trong bát chỉ có vài miếng bánh nhỏ.

Tôi đã ngủ qua đêm ở đủ chỗ: Có khi là trên một lối mòn có nhiều lùm bụi bên cạnh một dòng suối (ở những nơi tôi đi qua có nhiều suối lắm, muốn tắm rửa lúc nào cũng được), có những đêm tôi ngủ trên một đống rơm. Dân làng trong vùng muốn mời tôi về nhà họ để nghỉ, nhưng ở đó có quá nhiều phụ nữ và trẻ con nên tôi vẫn thích ngủ ở ngoài làng trên những đống rơm dưới bóng che của mấy cây xoài lớn. Ðó là những đêm tôi được ấm áp nhất. Còn nếu phải ngủ ngoài trời thì lạnh lắm, có nhiều đêm tôi không thể nào ngủ nổi. Những lúc đó tôi cứ nhớ lại thời gian mình còn sống ở Thái Lan, tận dụng triệt để bộ tam y rồi suốt đêm cứ ngồi khép chặt mình lại để giữ hơi ấm. Một đêm kia tôi tình cờ tìm thấy một gian lều cỏ đã mục nát nằm cạnh đường đi. Vào sống trong đó thì xem ra cũng ấm cúng nhưng đến ban ngày thì nóng nực không chịu nổi.

Tôi tiếc là mình đã không nói được ngôn ngữ bản xứ. Tôi nghĩ mọi việc sẽ ổn hơn nhiều nếu tôi có thể trao đổi được chút gì đó với mọi người chung quanh tôi. Tôi đã quyết định vạch ra từng trạm dừng chân cho cuộc hành hương của mình là sẽ từ Kusinàrà đi về Baranasi rồi sau đó là Bồ Ðề Ðạo Tràng. Dĩ nhiên lời nhắc nhở của những người tôi gặp trên đường đi vẫn văng vẳng bên tai tôi. Người ta bảo tôi hãy đề phòng những bất trắc rất có thể sẽ xảy ra nhưng thật kỳ lạ tôi cứ yên tâm với suy nghĩ đơn giản là nếu duyên nghiệp của tôi đã là như vậy thì dù có ở đâu tôi vẫn có thể bị tai nạn: Tôi có thể bị cán chết bởi một chiếc taxi ở thành phố Luân Ðôn hoặc bị ngã xuống dưới tay những tên cướp cạn.

Niềm tự tin của tôi còn được củng cố hơn nữa khi tôi tự kiểm tra đời sống phạm hạnh của mình. Tôi cứ tin tưởng mãnh liệt rằng chính đời sống giới luật trong sạch của mình là một phép Ba-la-mật hùng mạnh. Trong những ngày tháng hành hương này tôi đã thọ trì giới hạnh một cách trong sạch cho đến cả vấn đề ăn uống và tiền bạc. Tôi không hề giữ lại trong người mình hai thứ đó. Bởi nếu tôi làm vậy thì tôi không thể nào ôm bát đi khất thực bằng một tâm hồn trong sáng và bình yên được. Có rất nhiều người đã cố thuyết phục tôi nên biết giữ lại chút gì đó cho mình phòng khi bất trắc nhưng tôi tự hiểu rằng nếu tôi làm vậy thì rất có thể tôi sẽ không nhận được những gì cao đẹp mà người ta vẫn dành cho một vị sa môn, mà đặc biệt là trong lúc tôi lại đang có một cuộc hành hương tìm về Phật tích.

Tôi có ghé ngang Lumbini và dừng lại ở Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) một ngày nhưng ở đây không có gì để chiêm bái cả. Kapilavatthu không rộng bằng Sàvatthi, đã vậy còn bị đào xới bừa bãi. Tuy vậy từ đây chúng ta có thể nhìn thẳng lên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn trong khi ở Sàvatthi thì không thể có được cơ hội này. Sau một ngày ở Kapilavatthu, ngày hôm sau tôi đã thả bộ ngắm nhìn cảnh chiều muộn ở đây, dãy Trường Sơn Hy Mã vẫn sừng sững ở đó. Tôi đã hít thở thật mạnh như để cố nuốt hết vào phổi mình cái không khí linh thiêng này. Từng cánh đồng xanh ngát với những chồm cây nằm rải rác xa xa, từng đóa hoa làm tím thẩm những chân đồi và bên kia bầu trời lồng lộng những đỉnh núi phủ tuyết chọc thẳng lên với trời xanh... Phải nói rằng phong cảnh ở Kapilavatthu tuyệt vời quá: Hoành tráng, hùng vĩ mà vẫn vô cùng thơ mộng. Thời điểm tốt nhất để nhìn ngắm cảnh quang ở đây phải là buổi sáng sớm, trước tám giờ, khi nắng bắt đầu lên cao, tan tuyết đi và chảy xuống lấp lánh.

Hồi còn ở Anh Quốc tôi vẫn cứ do dự khi nghĩ tới một chuyến hành hương về Ấn Ðộ. Rồi trong cả lần đầu tiên đặt chân lên xứ sở này tôi vẫn không sao bỏ được những do dự đó. Có lúc tôi cứ nghĩ mình là một người ngớ ngẩn khi cứ mãi bị ám ảnh bởi miền đất có quá nhiều cái khó chịu này. Không ít lần tôi đã nghĩ rằng cái ước muốn hành hương của tôi chỉ là một phút bồng bột nhằm để thỏa mãn cái tính khí phiêu bạt của tuổi trẻ chính mình. Nhưng đến bây giờ thì tôi phải nhận rằng mình đã quá may mắn khi thực hiện được một chuyến đi như thế. Tôi đã cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi xem đây là một cơ hội khó được của đời tu. Tôi hy vọng đây cũng sẽ có thêm nhiều vị sư khác thực hiện được một cuộc hành hương như vậy.

Tôi xin chúc sức khỏe từng huynh đệ cùng các Phật tử ở Chithurst. Xin mọi người đừng cười lá thư này của tôi, vì tôi chưa từng viết những lá thư kiểu này bao giờ.

Với tất cả thân ái,

Tỳ kheo Bodhipàlo.

-ooOoo-

(Trích Họ đã sống như thế)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét