10 PHÁP BA LA MẬT - 9.TÂM TỪ (Metta) | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

10 PHÁP BA LA MẬT - 9.TÂM TỪ (Metta)


9. Tâm Từ (Metta)
Tâm Từ quan trọng nhất trong các Ba La Mật.
Phạn ngữ Metta (Từ) có nghĩa là hiền lành, hảo tâm, từ ái hay tình huynh đệ. Metta là lòmh thành thật ngưỡng nguyện rằng mỗi chúng sanh, không trừ bỏ sanh linh nhỏ bé nào, đều được an vui hạnh phúc. Chính Tâm Từ (Metta) đã thúc giục Bồ Tát từ khước sự giải thoát riêng rẽ của mình để cứu độ tha nhân. Tâm Ngài đã thấm nhuần tình thương vô hạn vô biên đối với tất cả, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, nam nữ. Ngài là hiện thân của tình thương đại đồng, không làm ai sợ mà cũng không sợ ai. Những con thú đơn độc ở giữa chốn rừng là bạn thân của Ngài và chính nhờ sống chung với loài cầm thú mà Ngài đã nuôi dưỡng tình tương thân, tương ái ấy. Ngài luôn luôn ôm ấp trong lòng một tình thương vô hạn đối với tất cả chúng sanh.
Tâm Từ (Metta) trong Phật Giáo không phải sự trìu mến riêng một người (pema), cũng không phải tình thương có liên quan đến xác thịt. Theo Phật Giáo, người thù trực tiếp của Tâm Từ là lòng oán hận và người thù gián tiếp của Tâm Từ là lòng trìu mến luyến ái. Trìu mến sanh lo sợ và phiền muộn. Tâm Từ đem lại an vui, hạnh phúc.
Nên ghi nhận rằng khi thực hiện Tâm Từ, ta không quên mình. Metta phải được rải cho kẻ khác cũng như cho ta. Tâm Từ không phân biệt "ta" và "người". Tâm Từ trong Phật Giáo bao trùm toàn thể càn khôn vạn vật mà trong đó cũng có ta. Túc Sanh Truyện Maha Dhammapala Jataka (số 385) cho biết có một vị Bồ Tát tuổi trẻ kia rải Tâm Từ đồng đều, đến luôn cả người cha tàn ác đã hạ lệnh hành hình Ngài, đến tên đao phủ, đến người mẹ thân ái đang xót xa than khóc, và cũng rải cho chính bản thân từ tốn của Ngài.
Tâm Từ có oai lực rất huyền bí, và oai lực nầy có thể gieo ảnh hưởng cho những người ở gần và những người ở xa. Một tấm lòng trong sạch đã rải ra năng lực từ ái như vậy có thể đổi dữ ra lành, đổi ác ra thiện, có thể làm cho một con ác thú trở nên ngoan ngoản như chó, như mèo, làm cho kẻ hung tợn sát nhân trở thành một người hiền lành như thánh.
Oai lực huyền bí ấy không phải tìm ở đâu xa lạ. Nó nằm trong phạm vi năng lực của mọi người. Chỉ một chút cố gắng là thực hiện được nó.
Đức Phật đã có lần dạy:
"Ta sống trên một ngọn núi, giữa đám sài lang hổ báo, và để tự bảo vệ không có gì khác hơn Tâm Từ của ta. Chung quanh là sư tử, cọp, beo, nai, hươu các thứ. Ngoài ra là rừng rậm cỏ hoang, không có con vật nào sợ ta và ta cũng không sợ con vật nào. Chính oai lực của Tâm Từ nâng đỡ, bảo vệ và giúp ta sống yên ổn."
Khi ta thương người, tức nhiên người thương ta. Không có một động lực tương phản nào, không có sự rung động thù nghịch nào, không có tư tưởng tría ngược nào có thể va chạm đến một người đã được hào quang của Tâm Từ bảo vệ. Tâm yên tĩnh là ta sống trong cảnh thiên đàng và cảnh thiên đàng ấy do chính ta tạo.
Có Tâm Từ là có hạnh phúc. Sống lân cận với người có Tâm Từ cũng được hưởng phần nào trạng thái mát mẻ. Nếu thường ngày trau giồi và thể hiện Tâm Từ bằng lời nói và hành động, tự nhiên bức màn ngăn chận giữa "ta" và "người" dần dần biến mất, và cái "ta" sẽ đồng nhất với toàn thể chúng sanh. Không còn "ta" nữa. Ta sẽ đồng hóa với tất cả (Sabbattata). Đó là mức cùng tột của Tâm Từ, Metta.
Một người Phật tử thuần thành phải hành tâm "Từ" đối với mọi chúng sanh và phải tự mình đồng hóa với tất cả, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, nam nữ. Tâm Từ trong Phật Giáo phá tan mọi chấp trước giữa người và người. Đối với Phật tử chân chánh, không có người thân kẻ sơ, không có kẻ thù người lạ, không có hạng người bị ruồng bỏ, cũng không có hạng người cao sang quyền quý phải sợ sệt không dám động đến. Tâm Từ đại đồng của Phật Giáo căn cứ trên sự sáng suốt. Tâm Từ của Phật Giáo xây dựng tình huynh đệ vững chắc giữa tất cả chúng sanh: người Phật tử hẳn là một công dân thế giới vậy.


Tiếp theo: TÂM XẢ (Upekkha)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét