PHÁP DUYÊN KHỞI (PATICCASAMUPPÀDA) - PHẦN VII (1) | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

PHÁP DUYÊN KHỞI (PATICCASAMUPPÀDA) - PHẦN VII (1)



                                
ÁI DẪN ĐẾN THỦ

Do duyên ái, thủ khởi sanh. Tiếng Pàli: Upàdàna, là từ ghép của Upa: Mạnh mẽ, hết sức, và Adàna: Nắm giữ, cầm lấy. Vì vậy, nó có nghĩa là nắm giữ chắc hay sự khao khát mạnh mẽ, không rời. Thủ có bốn loại:
1- Dục thủ.
2- Kiến thủ.

3- Giới cấm thủ.
4- Ngã ngữ thủ.
 Dục Thủ:
Các cảnh dục kích thích lòng ham muốn của tất cả chúng sanh chưa thoát khỏi dục ái. Những cảnh này có năm: Sắc, thinh, hương, vị và xúc.
Hình sắc là cảnh có tánh chất khả ái và hấp dẫn đối với con mắt. Nó có vẻ đẹp tự nhiên hoặc xem ra đẹp đối với mắt người xem. Cảnh sắc khả ái, dầu có thật hay chỉ bên ngoài, đều được tìm thấy trong những người đàn ông, đàn bà và nơi hàng tiêu dùng. Ðó là hình tướng của những nữ nhân làm hấp dẫn người nam và ngược lại. Những vật mà những người nam và người nữ ưa thích là quần áo, đồ trang sức, xe hơi v.v... Sự kích thích lòng ham muốn không chỉ ở nơi hình tướng hoặc màu sắc. Người đàn ông và đàn bà thu hút lẫn nhau không phải chỉ ở nơi nước da, mà cả toàn thân của phái khác, và hàng tiêu dùng cũng làm cho người ta khởi lên lòng ham muốn như thế. Hình sắc hoặc màu chỉ để giới thiệu vật ưa thích, cũng như tiếng kêu của con thú giúp người thợ săn định hướng và tìm ra nó.
Âm thanh, một cảnh dục khác, được biểu lộ qua giọng nói của người đàn ông hay đàn bà, lời ca hay tiếng nhạc. Một số âm thanh và giọng nói quả thực ngọt ngào. Lại nữa, không chỉ âm thanh làm hấp dẫn chúng ta, vì khi chúng ta nghe một âm thanh hay giọng nói nào đó, thì toàn thể vật phát ra âm thanh hay lời nói đều trở thành đối tượng tham ái của chúng ta.
Mùi cũng là một nguồn dục lạc, bao gồm tất cả các loại hương thơm, mùi của các loại gia vị, bột thơm, nước hoa. Ðàn ông, đàn bà thường xức những chất thơm vào người và vui thích chúng, và không chỉ những mùi thơm mà toàn thể vật hay người phát ra mùi thơm cũng làm hấp dẫn người ta.
Dục lạc, mà chúng ta có qua việc ăn uống, có nguồn gốc ở đồ ăn và thức uống.
Vị ngon có thể là thực hoặc chỉ bề ngoài. Ðối với loài heo, chó và những con thú khác thì rác rưởi, vật dơ, có thể là nguồn dục lạc của chúng. Một số người rất thích đồ ăn cay hoặc kích thích. Số khác thì thích các chất say. Dục lạc của họ chỉ có vỏ bên ngoài hơn là có thực, vì người bình thường không hưởng cái hương vị có hậu. Khoái lạc của việc ăn không phải nơi vật thực; Nó cũng tùy thuộc vào việc sửa soạn món ăn và do người đàn ông hay đàn bà biến chế chúng. Ðiều này có thể thấy ở người đàn ông thích ăn vật thực do vợ nấu, dầu đối với người khác thì tài nấu nướng của nàng chẳng kể vào đâu.
Một nguồn dục lạc khác là thân hay sự xúc chạm. Giường nệm êm ái, y phục đúng mùa, thân của phái khác. Tất cả những thứ này đều là đối tượng của sự xúc chạm, không chỉ tạo ra sự ưa thích đối với sự xúc chạm mà ở toàn thân của người hay vật. Sự xúc chạm mở đường cho sự tham luyến toàn thân vật xúc chạm.

NHỮNG CƠ SỞ CỦA DỤC LẠC

Như vậy, có những đối tượng là chúng sanh hoặc không phải chúng sanh hình thành những nguồn dục lạc. Lại có những thứ như vàng, bạc, vật trang sức, gạo, gia súc, xe cộ, nhà cửa, đất đai, người hầu kẻ hạ. Người ta làm việc hằng ngày để kiếm về những nguồn dục lạc này. Họ tầm cầu những thứ này cốt để có đồ ăn ngon, y phục đẹp và nhà cửa tiện nghi, để xem biểu diễn v.v...
Dục ái thường dẫn đến dục thủ. Khi một người bắt đầu hút thuốc, anh ta thích thói quen này, nhưng vì thói quen ấy càng ăn sâu trong người nên anh ta trở thành con sâu nghiện. Như vậy, chúng ta sẽ vô cùng thích một số cảnh nào đó và chúng ta cảm thấy không yên, nao nao, nếu chúng ta không có được chúng. Bằng cách này, ái tiến đến thủ.
Thủ không thể sanh khởi nếu không có ái. Tiếng nhạc và bài ca của người nước ngoài không hấp dẫn lỗ tai người Miến Ðiện Ðiện và vì thế không gây sự say mê trong họ. Người Miến Ðiện Ðiện không ăn thịt chó. Thịt chó có tánh chất ghê tởm đối với họ và vì vậy thủ đối chó không hề có đối với họ.
Kiến thủ:
Một loại thủ khác là kiến thủ. Ðó là sự bám chấp theo tà kiến. Nó bao gồm tất cả tà kiến, không kể những tà kiến trong loại thủ thứ ba và thứ tư. Bởi vậy mọi tà kiến đều được xem là thủ. Ở đây, chúng ta sẽ mô tả chi tiết những tà kiến ăn sâu trong mọi người.
Tà kiến thứ nhất cho rằng sự bố thí không phải là thiện nghiệp mà chỉ là sự phung phí tiền bạc. Tà kiến này phủ nhận giá trị và quả của thiện nghiệp. Thực ra nó chẳng có cơ sở nào cả. Hành động bố thí khiến người cho hoan hỷ. Nó đem lại lợi ích về vật chất lẫn tinh thần đến người thọ nhận và nó có thể giúp người ta vượt qua cơn đói. Người cho được mọi người tôn trọng và biết đến. Sau khi chết người ấy được sanh về thiên giới. Thật khó thuyết phục những kẻ hoài nghi về quả báo ở đời sau nhưng các quả nghiệp thuộc thế giới khác lại lọt vào tầm thấy của các vị A-la-hán và những vị thánh khác qua năng lực thần thông của Ngài. Một trong những loại thần thông này là thiên nhãn thông. Loại thần thông này có thể giúp người ta thấy được những người bố thí đang hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên, hoặc những người ác, không bố thí đang chịu khổ ở các đọa xứ. Các vị hành giả, dầu chưa có thần thông nhưng đã tiến bộ nhiều về định, cũng có thể nhìn thấy như vậy.
Loại tà kiến thứ hai cũng là sự phủ nhận những lợi ích của sự bố thí ở phạm vi rộng lớn.
Loại tà kiến thứ ba phủ nhận kết quả lành của việc tiếp khách, cho quà biếu vào ngày tết v.v... Quan điểm này chỉ về những hành động bố thí nhỏ, thịnh hành ở Ấn Ðộ cổ xưa và nhóm ngoại đạo xem những bố thí ấy là vô ích.
Quan điểm thứ tư phủ nhận kết quả của thiện nghiệp hoặc ác nghiệp.
Ngay trong kiếp sống này, người ta cũng có thể thấy kết quả của những việc làm của con người về mặt đạo đức. Còn nói về quả nghiệp ở thế giới bên kia thì những người có thiên nhãn mới chứng thực được điều ấy. Nhưng những người quá say mê dục lạc thì thích buông thả theo tham muốn của họ. Họ biểu lộ sự bất bình đối với những giá trị và ý tưởng về đạo đức, vì họ nghĩ rằng những điều ấy là chướng ngại cho sự tiến bộ vật chất của họ. Bởi vậy, họ đưa ra nhiều lập luận để phản đối nghiệp báo. Xét cho cùng thì tất cả điều này là do lòng ham muốn dục lạc quá mức của họ.
Tà kiến thứ năm và thứ sáu phủ nhận công ơn của cha mẹ đối với con cái. Tà kiến này chủ trương rằng việc có con của hai vợ chồng chẳng qua là do sự thỏa mãn tình dục một cách ngẫu nhiên của họ, rằng họ nuôi con cái như là bổn phận phải làm, và vì vậy chẳng có lý do gì để con cái phải nhớ ơn cha mẹ. Cho nên những người theo tà kiến này chủ trương rằng giúp đỡ cha mẹ chẳng phải là điều tốt, và bỏ bê cha mẹ cũng chẳng phải là điều xấu. Thật là một quan kiến tệ hại. Những người chấp theo tà kiến này sẽ không được con cái tôn trọng.
Tà kiến thứ bảy phủ nhận sự hiện hữu của thế giới khác ngoài cõi người và cõi súc sanh. Nó cũng phủ nhận niềm tin rằng con thú có thể tái sanh làm người.
Tà kiến thứ tám phủ nhận việc con người tái sanh vào cõi chư thiên, súc sanh hoặc địa ngục. Nó chủ trương sự đoạn diệt sau khi chết.
Tà kiến thứ chín phủ nhận sự hoá sanh. Nói cách khác, nó phủ nhận sự hiện hữu của chư thiên, ngạ quỉ, A tu la v.v..., là những kẻ xuất hiện với thân hình đầy đủ mà không qua trung gian của sự thọ thai. Quan điểm này không thể biện hộ được, bởi vì những vị phi nhân thiện hoặc ác cũng hiện ra cho người ta thấy. Có những người lên đồng và những thầy bùa có thể triệu về những vị phi nhân, và những vị chư thiên, phạm thiên đôi khi cũng hiện rõ trước mắt vị hành giả tu minh sát.
Quan điểm cuối cùng là không có sa môn hay Bà la môn nào nói về thế giới này và thế giới bên kia, và thực hành đúng với những gì họ nói ra. Quan điểm này ám chỉ rằng không có người nào có thể nói một cách độc lập về thế giới này và thế giới bên kia, dựa vào kinh nghiệm phi thường thực có của vị ấy, rằng tất cả giáo lý của họ chỉ là sự phỏng đoán và suy luận cho nên có tính chất huyền hoặc.
Ngày nay, quan điểm này được lan rộng bởi những người phỉ báng tôn giáo. Họ phủ nhận sự hiện hữu của chư Phật và chư vị A-la-hán, là những bậc biết thế gian như thật qua sự tinh tấn của các Ngài. Nhưng quan điểm này là thất sách, vì bằng lối suy luận ấy, người ta có thể phủ nhận quan điểm này, bởi vì những người chấp theo quan điểm này cũng không biết gì hơn về thế giới này hoặc thế giới bên kia.
Còn về giáo pháp của Ðức Phật, nó dựa vào tuệ quán phi thường. Do đó, giáo pháp đi đến hiện thực và bằng chứng khoa học. Vào thời Ðức Phật, có một người đàn ông tên là Ajita, chuyên rao giảng thuyết bất khả tri. Ông ta đả kích tất cả giáo lý mà không có sự thẩm định phẩm chất, và vì thế, Ðức Phật và chư vị A-la-hán cũng là những mục tiêu đả kích của ông ta.

NHỮNG QUAN ĐIỂM ĐÚNG

Tất cả mười tà kiến này đều có chung một ý, là phủ nhận định luật nghiệp báo và phủ nhận nghiệp, tức là phủ nhận mọi lợi ích phát sanh từ những hành động bố thí, công nhận cha mẹ và những việc thiện khác cũng như khả năng chứng đắc quả Phật và quả A-la-hán.
Mười quan điểm được nêu ra dưới đây dựa vào niềm tin nghiệp báo hay sự báo ứng về mặt đạo đức.
(1): Quan điểm thứ nhất là bố thí có lợi ích. Người cho tối thiểu cũng là người được người nhận thương mến và tôn trọng. Họ sẽ tôn kính, khen ngợi và giúp đỡ khi người kia gặp rắc rối. Người ấy chết với những cảnh tốt hiện ra lúc lâm chung, và sau khi chết, được sanh về thiên giới hay trở lại làm người. Người ấy sớm được chứng đắc đạo quả và Niết-bàn. Các vị Bồ tát cũng bắt đầu con đường tu tập bằng hành động bố thí mà tiến đến mục tiêu là Phật quả, Duyên giác hoặc A-la-hán quả.
Quả của sự bố thí cũng có thể thấy trong sự thịnh vượng về vật chất của một số người. Có một số người cũng buôn bán, làm ruộng, nhưng kết quả gặt hái thì khác nhau. Một số người được phát đạt, trong khi số khác thì không. Một số người thành công mà không cần cố gắng nhiều, trong khi số khác, dầu cố gắng hết sức vẫn không phát lên được. Những điều may mắn và không may mắn như vậy rõ ràng là do sự bố thí và không bố thí trong kiếp trước.
(2) và (3): Người tin vào định luật nghiệp báo thì không nghi ngờ khả năng cho quả của nghiệp trong việc bố thí nhiều hoặc ít, như đãi khách, cho quà tặng v.v...
(4): Ba quan điểm chân chánh này đều mặc nhiên công nhận định luật nghiệp báo hay nhân quả báo ứng. Một số người sống làm những việc thiện hoặc những việc ác là sự thật của đời sống không thể chối cãi được. Người mà sống làm những việc lành, vâng lời cha mẹ và thầy cô thì có rất nhiều, người ấy được nhiều người giúp đỡ và sẽ gặt hái thành công, và khi lớn lên trở thành một người có giá trị, được phát đạt. Cũng thế, do thiện nghiệp trong kiếp sống trước, người ta có thể sanh vào gia đình tốt và được khoẻ mạnh, có của cải, sắc thân xinh đẹp và có bạn tốt.
Kết quả của ác nghiệp như bịnh hoạn, ốm yếu, nghèo khó, tướng mạo xấu v.v... cũng được nhiều người biết đến.
(5) và (6): Tin vào nghiệp cũng hàm ý sự công nhận việc tri ân sâu xa của chúng ta đối với cha mẹ. Cha mẹ cưu mang bảo dưỡng con cái từ lúc còn nằm trong bào thai. Người mẹ đặc biệt bảo trọng sức khoẻ, vật thực và sự đi đứng của bà để đứa con trong bụng khoẻ mạnh, không hề hấn gì. Nếu bà là một Phật tử thuần thành, bà còn thọ trì bát quan trai và thường niệm ân Ðức Phật, Pháp, Tăng, với hy vọng sẽ có ảnh hưởng tốt đến tâm linh của đứa con. Sau khi sanh, cha mẹ phải nuôi dưỡng và dạy dỗ, và đến khi đứa con trưởng thành, cha mẹ còn chia gia tài để nó xây dựng đời sống tự lập. Vì những lý do này, nghĩa vụ theo tiếng gọi lương tâm của chúng ta là phải kính dưỡng cha mẹ, và đây là hành động tạo nghiệp lành sẽ đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Ðiều rõ ràng là người nào tôn kính cha mẹ thì sẽ được con cái tôn kính lại mình; Còn người nào bất kính với cha mẹ, sau này con cái cũng ngỗ nghịch với người ấy.

NHÌN THẤY THẾ GIỚI BÊN KIA

(7), (8) và (9): Những quan niệm chân chánh về sự hiện hữu của thế giới này, thế giới vô hình và những chúng sanh như chư thiên, là những kẻ sanh ra bằng sự vật chất hoá một cách tự phát (hoá sanh). Những chánh kiến này cũng hàm chứa trong định luật nghiệp báo, vì chính định luật này làm cho một chúng sanh, từ cõi thú hay cõi chư thiên, tái sanh vào cõi người hay ngược lại, theo nghiệp của người ấy sau khi chết. Ðiều này có thể chứng minh ở một số chừng mức nào đó, nhưng người quan sát phải là người có thần thông, tuệ quán hoặc khả năng suy xét hợp lý.
Qua sự thực hành thiền chỉ, hành giả có thể đạt được khả năng nhớ lại những kiếp quá khứ, người ấy có thiên nhãn, có thể nhìn thoáng qua mà thấy được hình tướng v.v... của một người đã chuyển sinh sang một kiếp sống mới. Loại thần thông này xảy đến được với hành giả tu thiền minh sát.
Người không tu thiền chỉ hoặc thiền quán thì phải dựa vào khả năng suy luận của họ. Có một số người có thể nhớ lại kiếp sống trước của mình. Theo văn học Phật giáo, họ là những người có Jàtissaranàna-trí nhớ lại kiếp trước. Họ mô tả những kiếp trước của họ ở cõi người, làm thú hoặc quỉ thần. Với óc suy nghĩ đúng đắn thì những sự mô tả này cho thấy sự chuyển sanh sau khi chết, từ thế giới này sang thế giới khác và ngược lại, cũng như sự hoá sanh của một số chúng sanh.
Ở đây, chúng tôi muốn đưa ra một lối suy nghĩ về vấn đề của kiếp sống tương lai mà những bậc trí tuệ đã suy nghĩ. Giả sử có một người chấp nhận niềm tin vào nghiệp và đời sống sau khi chết, trong khi một người khác thì phủ nhận niềm tin này. Người thứ hai sẽ không làm các thiện nghiệp như bố thí, trì giới, kết quả là người ấy không tránh khỏi việc làm điều ác, anh ta sẽ buông thả những ham muốn của mình. Do đó, anh ta không có đức độ để mọi người kính mến. Nếu điều anh ta không tin là có thật, như nghiệp báo và kiếp sau, thì anh ta chắc chắn phải đọa vào khổ cảnh ngay sau khi chết, và anh ta phải chịu khổ trải qua nhiều kiếp luân hồi.
Ngược lại, người tin vào nghiệp và kiếp sau sẽ không làm điều ác, thích làm điều thiện, cho dù không có nghiệp hoặc kiếp sống tương lai thì trong hiện tại anh ta cũng được tán dương và được nhiều người biết về đạo đức của anh ta. Anh ta sẽ hoan hỷ vui sướng khi nghĩ đến những việc làm của mình. Là một công nhân tốt, anh ta sẽ sống một cuộc sống thanh bình. Ðây là những lợi ích chắc chắn sẽ phát sanh đến người tin vào nghiệp trong kiếp sống hiện tại. và nếu thực sự có kiếp sau, thì người ấy chắc chắn sẽ được hạnh phúc sau khi chết. Như vậy, thật hợp lý để tin có kiếp sau. Ðây là cách suy nghĩ vững chắc mà Ðức Phật đưa ra trong bài kinh Apannaka sutta (Thuần Chơn kinh) của trung bộ kinh.

Nguồn: budsas.org

0 nhận xét:

Đăng nhận xét