PHẬT GIÁO, NHÌN TOÀN DIỆN - Chương 1: Đức Phật (phần 2) | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

PHẬT GIÁO, NHÌN TOÀN DIỆN - Chương 1: Đức Phật (phần 2)


Bài Pháp Ðầu Tiên

Trong khi Ðức Thế Tôn sống vắng vẻ cô tịch thì ý nghĩ sau đây phát sanh đến Ngài:

"Giáo Pháp mà Như Lai chứng ngộ quả thật thâm diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi luận lý, tế nhị, chỉ có bậc thiện trí mới thấu hiểu. Chúng sanh còn thỏa thích, ham vui, và mãi mê say đắm trong nhục dục ngũ trần. Ðối với những chúng sanh như thế ấy khó mà thấy được pháp duyên sanh, pháp tùy thuộc phát sanh. Cũng khó cho chúng sanh lãnh hội sự chấm dứt tất cả những pháp hữu vi, sự thoát ly ra khỏi tất cả những tinh chất của tiến trình trở thành, sự dập tắt mọi ái dục, buông bỏ, chấm dứt, Niết Bàn. Nếu Như Lai truyền dạy Giáo Pháp và người khác không thể hiểu thì quả thật là phí công vô ích. [21]"

Nghĩ như vậy thoạt tiên Ngài không sẵn sàng hoằng dương Giáo Pháp, nhưng với nhãn quan tinh thần Ngài quan sát thế gian và thấy chúng sanh kẻ ít người nhiều cát bụi trong mắt, kẻ thì có khả năng hiểu biết bén nhạy người chậm chạp nặng nề, người có phẩm cách cao quý, người thấp hèn, người dễ dạy, người khó, vài người nhận thức được mối hiểm họa mà họ phải gánh chịu trong tương lai vì hành động sai quấy trong hiện tại, vài người không. Thấy như vậy Ðức Tôn Sư tuyên ngôn sẵn sàng công bố Giáo Pháp với những lời lẽ long trọng như sau:

"Apàrutà tesam amatassa dvàrà 
Ye sotavanto pamuncantu saddham."

"Cửa Vô Sanh Bất Diệt đã rộng mở. 
Hãy để cho ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin." [22}

Khi xét suy sẽ dạy Giáo Pháp cho ai trước tiên, Ngài nghĩ đến Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta, hai vị đạo sư đã dạy Ngài thủa xưa, bởi vì Ngài biết rằng hai vị này là bậc thiện trí minh mẫn. Nhưng không thể được vậy, hai vị đã viên tịch. Rồi Ðức Thế Tôn quyết định trao truyền chân lý cho năm đạo sĩ trước kia là huynh đệ đồng tu với Ngài, đến nay vẫn còn giữ vững lối tu khổ hạnh cùng cực, vốn không đem lại thành quả. Biết rằng năm đạo sĩ hiện ở Benares, trong khu Vườn Lộc Giả tại Isipatana (ngày nay là Sarnath), Ðức Thế Tôn rời Gayà đi từng giai đoạn đến Benares, cách đó độ 150 dậm Anh. Trên đường đi, không mấy xa Gayà Ngài gặp đạo sĩ Upaka, rất ngạc nhiên trước diện mạo trong sáng và tác phong trầm tĩnh của Ngài. Vị đạo sĩ hỏi: "Thầy của đạo hữu là ai? Ðạo hữu truyền bá giáo lý của ai?"

Ðức Phật trả lời: "Một đạo sư, ta không có, một người như ta không có trên thế gian, bởi vì ta là Tôn Sư Vô Song, bậc A La Hán, chỉ có ta duy nhất là Toàn Giác Tối Thượng. Ðã tận diệt tất cả mọi ô nhiễm, ta đã chứng ngộ trạng thái vắng lặng của Niết Bàn. Ta đang đến thành Kàsi (Benares) để vận chuyển Bánh Xe Pháp Bảo. Giữa thế gian mù quáng ta sẽ gióng lên hồi trống Vô Sanh Bất Diệt."

"Này đạo hữu, như vậy đạo hữu tự xưng là bậc siêu hùng, người chiến thắng toàn thể vũ trụ," Upaka nói. Ðức Phật trả lời: "Những ai đã chấm dứt mọi nhiễm ô, những người ấy, quả thật vậy, là bậc siêu hùng như ta. Tất cả bất thiện pháp, ta đã chinh phục. Như vậy, ta là đấng siêu hùng."

Upaka lắc đầu, chua cay ghi nhận, "Có thể được vậy chăng, đạo hữu," và rẽ sang một con đường nhỏ. Ðức Phật tiếp tục cuộc hành trình và lần hồi đến Vườn Lộc Giả, tại Isipatana. Năm vị đạo sĩ thấy Ðức Phật từ xa đến, bàn thảo với nhau: "Này chư đạo hữu, kìa đạo sĩ Gotama đang đi đến ta. Ðạo sĩ ấy bán đồ nhi phế, đã từ bỏ cuộc chiến đấu và trở về lối sống xa hoa phong phú. Ta không nên niềm nở đón chào." Nhưng khi Ðức Phật đến gần, phong cách trang nghiêm của Ngài cảm xúc mạnh mẽ cả năm và tất cả đều bỏ ý định. Người thì đến rước y và bát, người dọn chỗ ngồi, người đi lấy nước cho Ngài rửa chân. Ðức Phật ngồi trên chỗ đã dọn sẵn, và năm vị quây quần bu lại đón mừng với tư cách huynh đệ, xưng hô với Ngài là "àvuso", có nghĩa đạo hữu.

Ðức Phật nói, "Không nên gọi Như Lai bằng danh từ "àvuso". Này chư đạo sĩ, Như Lai là bậc ùng Cúng (A La Hán), đấng Toàn Giác Tối Thượng. Hãy lắng nghe, này chư đạo sĩ, Như Lai đã thành tựu trạng thái Bất Diệt. Như Lai sẽ giảng, sẽ dạy Giáo Pháp. Nếu hành đúng theo lời dạy, chính các thầy sẽ thông hiểu và tự mình chứng ngộ trong kiếp sống này mục tiêu thanh tịnh tối thượng mà bao nhiêu người con trong các gia tộc quý phái sẽ rời nhà để theo cuộc sống không nhà cửa." Ðến đây năm đạo sĩ nói: "Này đạo hữu Gotama, trước kia dầu đã thực hành khổ hạnh ép xác đến mức cùng cực đạo hữu đã không thành đạt trí tuệ nào siêu phàm và tuệ minh sát. Giờ đây đạo hữu đã trở về lối sống xa hoa lợi dưỡng và từ bỏ cuộc chiến đấu thì làm sao có thể có trí tuệ siêu phàm và tuệ minh sát?"

Ðức Phật đáp: "Như Lai không chấm dứt cố gắng và trở về lối sống xa hoa phong phú. Như Lai là bậc Toàn Giác Tối Thượng. Hãy lắng nghe, này chư đạo sĩ, Như Lai đã thành tựu trạng thái Bất Diệt. Như Lai sẽ giảng. Như Lai sẽ dạy quý thầy Giáo Pháp."

Lần thứ nhì năm vị đạo sĩ lặp lại lời thắc mắc như cũ, và lần thứ nhì Ðức Phật lặp lại lời giải đáp. Lần thứ ba, năm vị đạo sĩ hỏi như trước. Mặc dầu Ðức Bổn Sư khẳng định, năm vị không thay đổi thái độ. Lúc bấy giờ Ðức Phật nói như sau: "Hãy thú nhận, này chư đạo sĩ, trước đây có lần nào Như Lai đã nói với quý vị như thế không?" Cảm kích trước những lời kêu gọi chân thật của Ðức Thế Tôn, năm vị đạo sĩ khuất phục và công nhận: "Quả thật không, Bạch Ngài." Như thế ấy bậc Trí Tuệ Tối Cao, bậc Ðiều Ngự Trượng Phu, điều ngự tâm của năm vị đạo sĩ bằng nhẫn nhục và từ bi, bằng trí tuệ và tài năng. Những lời của Ðức Phật cảm hóa năm đạo sĩ, lúc bấy giờ tỏ ra sẵn sàng lắng nghe Ðức Phật.

Trung Ðạo

Lúc bấy giờ nhằm ngày trăng tròn tháng Bảy, 589 năm trước D.L. Vào buổi chiều, lúc mặt trời đang dần dần lặn và mặt trăng Rằm đang ló dạng, tại Vườn Lộc Giả, Isipatana, Ðức Phật dạy:

"Này chư tỳ khưu, có hai cực đoan mà người tu sĩ ẩn dật phải tránh. Hai là gì? Lợi dưỡng, dể duôi trong dục lạc là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh Nhân, và đưa đến tổn hại; và ép xác khổ hạnh là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh Nhân, và đưa đến tổn hại. Con đường Trung Ðạo, này chư tỳ khưu, mà Như Lai đã chứng ngộ, tránh xa cực đoan, đem lại pháp nhãn và tri kiến và đưa đến tĩnh lặng, liễu ngộ, toàn giác và Niết Bàn. Và này chư tỳ khưu, Trung Ðạo ấy là gì? Ðó là Bát Chánh Ðạo, tức: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định."

Rồi Ðức Phật giải thích Tứ Diệu Ðế cho năm đạo sĩ: chân lý thâm diệu về sự khổ, chân lý thâm diệu về nguyên nhân sanh khổ, chân lý thâm diệu về sự chấm dứt đau khổ, và chân lý thâm diệu về con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ. [23]

Như thế ấy Ðức Tối Thượng Sư tuyên bố chân lý và vận chuyển Bánh Xe Pháp Bảo (dhamma-cakka-pavattana). Thời Pháp đầu tiên, bức thông điệp Lộc Giả này là phần nòng cốt của Phật Giáo. Cũng như dấu chân của tất cả mọi loài trên mặt đất đều có thể nằm bên trong dấu chân thớt tượng, pháp Tứ Diệu Ðế bao trùm toàn thể giáo huấn của Ðức Phật.

Giải thích từng diệu đế, Ðức Bổn Sư dạy, "Như vậy, này chư tỳ khưu, pháp nhãn, tri kiến, trí tuệ, tuệ minh sát, và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai. Như Lai đã thành đạt những gì mà trước kia chưa từng được biết. Này chư tỳ khưu, ngày nào mà tuệ giác của Như Lai, tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về Tứ Diệu Ðế chưa được hoàn toàn sáng tỏ thì Như Lai không khẳng định là mình đã chứng ngộ Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Và lúc ấy phát sanh đến Như Lai tuệ minh sát và tri kiến: tâm của Như Lai đã giải thoát bất thối chuyển (akuppà me ceto vimutti), đây là kiếp cuối cùng của Như Lai, không còn tái sanh nữa. [24]" Ðức Phật tuyên ngôn như thế, và năm vị tỳ khưu lấy làm hoan hỷ, tán dương lời dạy.

Vào ngày 2 tháng 12, năm 1930, trong một buổi dạ tiệc do Hoàng Gia Thụy Ðiển khoản đãi tại hoàng cung, khi đến lượt ông nói, Sir C. V. Raman, lúc ấy vừa đoạt giải thưởng Nobel ngành vật lý học, gác qua một bên vấn đề khoa học, và trước một thính giả kinh ngạc gồm những bậc thượng khách nổi tiếng trên thế giới, đọc lên một bài diễn văn vô cùng hùng biện về Ðức Phật và thời quá khứ vinh quang của xứ Ấn Ðộ. "Trong khu thành Benares," Sir Venkata Raman nói, "có một con đường mòn mà theo tôi là địa điểm thiêng liêng nhất của xứ Ấn. Trên con đường ấy một ngày nọ Thái Tử Siddhartha đã trải qua sau khi từ bỏ tất cả sự nghiệp trần gian để đi cùng khắp thế gian và công bố tình thương." (The Bosat, Quyển 5, số 1, 1942, Vajirarama, Colombo, trang 8). Rừng Cây Sinsapa

Vị thế tối quan trọng của pháp Tứ Diệu Ðế trong Phật Giáo được nhận thấy dồi dào và rõ ràng từ thông điệp tại khu Rừng Sinsapa (Rừng Trâm) cũng như bức thông điệp tại Vườn Lộc Giả. Một ngày kia Ðức Phật ngự trú tại Kosambi (gần Allahabad), trong khu Rừng Sinsapa. Lúc ấy, nắm trong tay một nắm lá trâm (sinsapa), Ðức Thế Tôn hỏi chư Tăng:

"Các con nghĩ thế nào, này chư tỳ khưu, số lá cây nằm trong tay Như Lai so với số lá trong toàn khu rừng sinsapa này, cái nào nhiều hơn?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, nắm lá trong tay Ngài quả thật không đáng kể, so với số lá trong toàn khu rừng sinsapa này."

"Cũng nhiều như lá trong toàn khu rừng, này chư tỳ khưu, những gì mà Như Lai hoàn toàn chứng ngộ; chỉ ít thôi, như số lá nắm trong tay, Như Lai tuyên dạy các con. Và tại sao, này chư tỳ khưu, Như Lai không truyền dạy hết? Này chư tỳ khưu, vì nó không hữu ích, không khẩn yếu cho đời sống thiêng liêng thanh tịnh, không dẫn đến nhàm chán, buông bỏ, chấm dứt, tĩnh lặng, thấu đáo toàn diện, không đưa đến Toàn Giác, Niết Bàn. Vì lẽ ấy, này chư tỳ khưu, Như Lai không tuyên dạy.

"Và Như Lai tuyên dạy gì? Ðây là đau khổ (dukkha) -- điều này Như Lai tuyên dạy. Ðây là sự phát sanh của đau khổ -- điều này Như Lai tuyên dạy. Ðây là sự chấm dứt đau khổ -- điều này Như Lai tuyên dạy. Ðây là con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ -- điều này Như Lai tuyên dạy. Và tại sao, này chư tỳ khưu, Như Lai tuyên dạy những chân lý ấy?

"Vì nó quả thật hữu ích, quả thật khẩn yếu cho đời sống thiêng liêng thanh tịnh, dẫn đến nhàm chán, buông bỏ, chấm dứt, tĩnh lặng, thấu đáo toàn diện, đến Toàn Giác, Niết Bàn. Vì lẽ ấy, này chư tỳ khưu, Như Lai tuyên dạy. Như vậy, này chư tỳ khưu, cần phải tinh tấn để chứng ngộ: Ðây là đau khổ, đây là sự phát sanh đau khổ, đây là sự chấm dứt đau khổ, đây là con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ." [25]

Ðức Phật cương quyết khẳng định: "Như Lai làm sáng tỏ một điều: đau khổ và sự chấm dứt đau khổ" (dukkhamceva pannàpemi, dukkhassa ca nirodham). Thấu hiểu rõ ràng Phật ngôn không thể nhầm lẫn này tức thấu hiểu Phật Giáo; bởi vì toàn thể giáo huấn của Ðức Phật không có gì khác hơn là áp dụng nguyên tắc duy nhất này. Cái gì mà có thể gọi là khám phá của Ðức Phật chỉ là Tứ Diệu Ðế. Từ nghìn xưa, đó là giáo huấn đặc thù của chư Phật.

Tối Thượng Y Vương

Ðức Phật cũng được tôn là bậc Tối Thượng Y Vương (bhisakko, vị lương y vô song), nhà giải phẩu không ai bì (sallakatto anuttaro). Quả thật vậy, Ngài là vị lương y độc nhất vô nhị.

Phương cách mà Ðức Phật trình bày Tứ Diệu Ðế có thể so sánh với phương pháp trị bịnh của một lương y. Cũng giống như bác sĩ, Ngài bắt đầu chẩn mạch, tìm hiểu chứng bịnh, kế đó tìm nguyên nhân sanh ra bịnh hay bịnh phát sanh như thế nào, rồi nghiền ngẩm khảo sát phương thức trị liệu, và cuối cùng áp dụng, cho thuốc chữa bịnh.

Ðau khổ (dukkha) là chứng bịnh; ái dục (tanhà) là sự phát sanh, hay nguyên nhân, căn cội của chứng bịnh (samudaya); bằng cách diệt trừ ái dục, căn bịnh cũng được diệt trừ, và đó là phương thức trị liệu (nirodha-nibbàna); Bát Chánh Ðạo (magga) là phương thuốc.

Một vị bà la môn muốn biết tại sao Ðức Bổn Sư được gọi là Phật. Lời giải đáp của Ðức Phật rõ ràng cho thấy rằng không có lý do nào khác hơn là vì Ngài hoàn toàn thông suốt Tứ Diệu Ðế.

Ðây là lời của Ðức Phật:

"Ta đã thông hiểu những gì phải được thông hiểu, Ðã trau giồi những gì phải được trau giồi, Ðã dứt bỏ những gì phải được buông bỏ. Do đó, này người bà la môn, ta là Phật -- đấng Giác Ngộ. [26]"

Với thời Pháp (Dhamma) được công bố lần đầu tiên, với sự vận chuyển Bánh Xe Pháp Bảo, và với sự thâu nhận năm vị đạo sĩ làm đệ tử, Vườn Lộc Giả tại Isipatana trở thành nơi chôn nhau cắt rún của Phật Giáo (Buddha-sàsana) và của Giáo Hội Tăng Già (sangha). [27]

Hoằng Dương Giáo Pháp

Sau đó Ðức Phật trải qua mùa hạ (vassa) [28] nơi Vườn Lộc Giả, tại Isipatana, ngày nay là địa điểm thiêng liêng (động tâm) của hơn sáu trăm triệu người. Trong ba tháng của mùa mưa này -- ba tháng hạ, vassa -- năm mươi vị khác do Yasa, một thanh niên khá giả, hướng dẫn gia nhập vào Giáo Hội. Giờ đây Ðức Phật có sáu mươi đệ tử, tất cả đều là A La Hán, những vị đã chứng ngộ Giáo Pháp và có đầy đủ khả năng để dạy người khác. Khi mùa an cư kiết hạ chấm dứt Ðức Bổn mở lời dạy các đệ tử thân tín như sau:

"Này chư tỳ khưu, Như Lai đã thoát ra khỏi mọi trói buộc, dầu ở cảnh người hay cảnh trời. Các con cũng đã giải thoát ra khỏi mọi thằng thúc, dầu ở cảnh người hay cảnh trời. Giờ đây, các con hãy ra đi đó đây vì tình trạng an lành và hạnh phúc của chư thiên và nhân loại. Mỗi người đi một ngã, hai người không đi chung về một hướng. Hãy công bố Giáo Pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn cuối, đầy đủ ý nghĩa trong tinh thần và theo văn tự, và rõ ràng là toàn hảo. Hãy công bố đời sống trong sạch, đời sống thiêng liêng, thanh cao và tinh khiết tột bậc. Có những chúng sanh với ít nhiều cát bụi trong mắt, họ sẽ lạc lối vì không được nghe Giáo Pháp, cũng có những người sẽ lãnh hội, Như Lai sẽ đi về phía Uruvela, đến Senanigama để hoằng dương Giáo Pháp." [29]

Như thế ấy Ðức Phật bắt đầu cuộc truyền giáo cao cả kéo dài đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Cùng với chư vị đệ tử Ngài đi trên các con đường lớn và các nẻo nhỏ của xứ Ấn Ðộ, bủa rộng vừng hào quang từ bi vô lượng vô biên. Mặc dầu khởi đầu với sáu mươi vị tỳ khưu, Giáo Hội Tăng Già sớm phát triển đến hằng ngàn vị và, do số chư Tăng càng ngày càng tăng, số tự viện cũng ngày càng tăng dần, và về sau các đại học Phật Giáo ở Ấn như Nàlandà, Vikramasilà, Jagaddalà, Vikrampuri và Odantapuri trở thành những trung tâm văn hóa có ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của nhân loại.

Sau bốn mươi lăm năm hoằng dương Giáo Pháp và thành công một cách vẻ vang, Ðức Phật viên tịch lúc tám mươi tuổi thọ, giữa hai cây Song Long Thọ (gọi là "song long thọ" vì là một cặp, hai cây long thọ, mỗi cây chia làm hai nhánh giống hệt như sanh đôi), tại Kusinàrà, ngày nay là Uttara Pradesh, khoảng 120 dậm Anh cách Benares. [30]

Công Trình Hoằng Pháp Của Ðức Phật

Trong bốn mươi lăm năm hoằng Pháp độ sinh dài dẳng, Ðức Phật đi bộ cùng khắp các châu quận miền Bắc xứ Ấn Ðộ. Nhưng vào mùa nhập hạ thông thường Ngài ở lại một nơi. Sau đây là tóm lược những nơi Ngài nhập hạ, được ghi nhận trong kinh điển.

* Năm đầu: Vàrànasi -- Sau khi Chuyển Pháp Luân vào ngày trăng tròn tháng Bảy D.L. Ðức Phật nhập hạ đầu tiên tại Isipatana, Vàrànasi.

* Hạ thứ nhì, thứ ba và thứ tư: Ràjagaha -- Ngài lưu ngụ trong khu Veluvana (Trúc Lâm). Trong hạ thứ ba này Sudatta, một trưởng giả tại thành Sàvatthi (Xá Vệ) mà người ta thường gọi là Anàthapindika, "người nuôi ăn những kẻ bị bỏ rơi" nghe nói đến Ðức Phật, tìm đến, lắng nghe Ngài và đặt niềm tin (saddhà) nơi Ðức Bổn Sư, nơi Giáo Huấn của Ngài và những vị đã được Ngài dạy (Phật, Pháp, Tăng), đắc quả Tu Ða Huờn (sotàpatti, nhập lưu), tầng Thánh đầu tiên trong Tứ Thánh. Ông nổi tiếng là vị thí chủ (dàyaka) chính của Ðức Tôn Sư. Ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) kiến tạo ngôi chùa trứ danh Jetavana (Kỳ Viên) tại Sàvatthì, ngày nay là Sahet-mahet, rồi dâng lên Ðức Phật và các đệ tử Ngài. Những phế tích của ngôi chùa đến nay vẫn còn được thấy.

* Hạ thứ năm: Vesàli -- Ðức Phật nhập hạ trong bảo tháp Kùtàgàrasàlà. Vào lúc này Ðức Vua Suddhodana lâm trọng bịnh. Ngài trở về viếng cha và thuyết giảng Giáo Pháp. Ðức Vua cha chứng đắc A La Hán sau khi nghe Pháp và băng hà sau khi thọ hưởng quả phúc giải thoát trong bảy ngày. Giáo Hội Tỳ Khưu Ni cũng được thành lập trong khoảng thời gian này. (Xin xem phần "Hàng Phụ Nữ Trong Văn Học Phật Giáo, chương 12).

* Hạ thứ sáu: Ðồi Mankula -- Nơi đây Ðức Phật dùng phép yamaka pàtihàriya, làm cho nước và lửa cùng một lúc phun ra từ lỗ chân lông. Lần đầu tiên tại Kapilavatthu Ngài cũng dùng phép ấy để khắc phục tính ngã mạn của những người dòng Sakya, thân quyến Ngài.

* Hạ thứ bảy: Cung Trời Ðạo Lợi (Tàvatimsa, Tam Thập Tam Thiên) -- Nơi đây Ðức Phật thuyết giảng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma, Giáo Lý Cao Siêu) cho những vị Trời (devas), do mẹ Ngài hướng dẫn. Sau khi hạ sanh Hoàng Tử Siddhattha được bảy ngày thì Hoàng Hậu Mahàmàyà băng hà và tái sanh vào cảnh Tàvatimsa.

* Hạ thứ tám: Rừng Bhesakalà, gần Sumsumàragiri -- Tại nơi đây đôi vợ chồng khắng khít thương yêu nhau, Nakulapità và vợ, đến hầu Phật, nói lên cuộc sống gia đình nhiều hạnh phúc của mình và ước nguyện mãi mãi chung sống an vui đầm ấm trọn kiếp sống hiện tiền và lâu dài trong những kiếp về sau. Hai người này được Ðức Phật khen là đứng hàng đầu trong những người có niềm tin nơi Tam Bảo.

* Hạ thứ chín: Kosambi -- trong hạ này Ðức Phật lưu ngụ tại Chùa Ghosita.

* Hạ thứ mười: Rừng Pàrileyyakka -- Trong hạ thứ mười này, tại Kosambi, vụ tranh luận xảy ra giữa hai nhóm tỳ khưu vì có một vị phạm giới không đáng kể, nhưng rồi hai phe không thể hòa giải. Chính Ðức Phật bổn thân đứng ra giàn xếp cũng không xong. Ngài bỏ vào nhập hạ trong rừng. Vào cuối hạ (vassa) cuộc tranh luận được giảng hoà êm thuận, chư Tăng đến Sàvatthi xin sám hối và cung thỉnh Ðức Thế Tôn về chùa.

* Hạ thứ mười một: Làng Ekanàla (trong xứ Magadha, Ma Kiệt Ðà) -- Nơi đây Ðức Phật gặp vị bà la môn nông dân Kasìbhàradvàja. Vị này có những lời thiếu lễ độ, nhưng Ðức Thế Tôn vẫn bình tĩnh, thản nhiên giải đáp những câu hỏi của ông. Bhàradvàja trở thành một thiện tín nhiệt thành của Ðức Phật. Chính trong cơ hội này Ngài giảng thời Pháp rất đáng chú ý Kinh Kasìbhàradvàja Sutta (Sutta Nipàta). (Xin đọc quyển "The Book of Protection" cùng một tác giả, do nhà xuất bản BPS ấn hành).

* Hạ thứ mười hai: Veranjà -- Lời tựa của Tạng Luật (Vinaya) được xem là được ban hành trong hạ này. Cũng trong hạ này vị bà la môn Veranjà đến gặp Ðức Phật, bạch hỏi một loạt nhiều câu hỏi, xin quy y, và cung thỉnh Ðức Phật cùng chư Tăng nhập hạ (vasssa) tại làng Veranjà. Vào lúc ấy có nạn đói trong xứ, Ðức Phật và chư vị đệ tử Ngài phải dùng những thức ăn rất thô sơ do một người lái ngựa dâng cúng. Theo thường lệ, sau khi ra hạ Ðức Phật giả từ ông bà la môn thí chủ để lên đường. Ông ta thú nhận là mặc dầu cung thỉnh Ðức Thế Tôn và chư vị tỳ khưu đệ tử nhập hạ, ông đã thiếu sót bổn phận suốt trọn thời gian kiết hạ vì phải mắc bận công chuyện nhà. Dầu vậy, ngày hôm sau ông dâng y và cúng dường đầy đủ vật thực.

* Hạ thứ mười ba: Tại tảng đá Càliya (gần thị trấn Càlika) -- Trong hạ này Ðại Ðức Meghiya làm thị giả Ngài, thấy khu rừng xoài ở cạnh mé sông rất xinh tươi và thuận tiện để hành thiền, nên xin phép Ðức Phật đến đó hành đạo. Mặc dầu Ðức Phật khuyên sư hãy đợi chờ đến khi có một vị thị giả mới thay thế, sư vẫn lặp lại lời xin. Ðức Phật cho phép. Vị tỳ khưu ra đi, nhưng rồi hết sức ngạc nhiên cảm nghe còn luôn luôn mang nặng những tư tưởng tham dục, sân hận và hung bạo. Sư thất vọng trở về. Lúc bấy giờ Ðức Phật mở lời khuyên dạy: "Này Meghiya, để giải thoát cái tâm chưa thuần thục, có năm điều hỗ trợ cho nó trở nên thuần thục: 1. một người bạn lành; 2. phẩm hạnh thanh cao trong khuôn khổ của những quy tắc tu tập; 3. bàn thảo chân thành, những lời khuyên bảo có chiều hướng buông bỏ, vắng lặng, chấm dứt, Giác Ngộ và Niết Bàn; 4. tinh tấn loại trừ những tư tưởng bất thiện và 5. thành đạt trí tuệ phân biện trạng thái phát sanh và hoại diệt của vạn pháp." [31]

* Hạ thứ mười bốn: Tại ngôi chùa Jetavana (Kỳ Viên), Sàvatthi -- Trong hạ này Ðại Ðức Ràhula, lúc ấy còn là sa di (sàmanera), thọ Cụ Túc Giới (upasampadà). Ðúng theo Vinaya (Luật), phải đến hai mươi tuổi mới được thọ giới này. Như vậy, lúc ấy Ngài Ràhula vừa đúng tuổi thọ giới để trở nên tỳ khưu.

* Hạ thứ mười lăm: Kapilavatthu (nơi chôn nhau cắt rún của Thái Tử Siddhattha) -- Trong hạ này Ðức Vua Suppabuddha, cha của Công Chúa Yasodharà, băng hà.

* Hạ thứ mười sáu: Thị trấn Àlavi -- Trong hạ này Ðức Phật cảm hóa Alavaka, quỷ Dạ Xoa ăn thịt người. Quỷ nêu lên những thắc mắc, được Ðức Thế Tôn giải thích thỏa đáng và xin quy y Phật. (Về những câu hỏi của Alavaka và giải đáp của Ðức Bổn Sư, xin đọc Àlavaka Sutta, trong Sutta Nipàta hoặc "The Book of Protection" trang 81, do Ðại Ðức tác giả sách này, nhà xuất bản BPS ấn hành.)

* Hạ thứ mười bảy: Ràjagaha (Vương Xá), tại ngôi chùa Veluvana (Trúc Lâm). Trong hạ này cô gái giang hồ nổi tiếng, Sirimà em của vị lương y Jivaka, chết. Ðức Phật đến dự lễ hỏa táng và nói với nhà vua hãy truyền rao cho dân chúng, xem có ai muốn mua cái thi hài ấy không -- cái thân hình mà lúc nào, khi còn sống, đã quyến rũ thu hút bao nhiêu người. Không ai màng đến, dầu khỏi phải trả tiền. Nhân cơ hội Ðức Phật truyền dạy đám đông với lời kệ:

"Hãy nhìn cái hình ảnh xinh đẹp kìa, 
Một thể xác đầy đau thương, 
Một đống (xương), đầy bệnh tật, 
Ðược nhiều người bận tâm lo lắng, nhưng trong đó 
Không chứa đựng gì trường tồn hay ổn định." 
-- Dhammapada, Kinh Pháp Cú, 147

* Hạ thứ mười tám: Tảng đá Càliya -- Trong hạ này một thiếu nữ, con gái người thợ dệt, đến hầu Phật và được nghe thuyết giảng thời Pháp dạy quán tưởng về sự chết (maranànussati). Trong một cơ hội khác, nhờ thường xuyên suy gẫm về những lời giảng của Ðức Phật nàng giải đáp đúng tất cả bốn câu hỏi của Ngài. Cuộc vấn đáp có tánh cách triết lý này vượt khỏi tầm hiểu biết của đại chúng, vốn không thường suy niệm theo lời Phật dạy. Ðức Phật ca ngợi nàng và mở lời dạy mọi người bằng kệ ngôn:

"Thế gian này mù quáng; ở đây, 
người sáng suốt quả thật hiếm hoi 
Như số chim thoát khỏi lưới, 
Chỉ ít người vào nhàn cảnh." 
-- Dhammapada, Kinh Pháp Cú, 174

Nàng lắng nghe Giáo Pháp và chứng ngộ tầng Thánh thứ nhất (sotàpatti, Nhập Lưu hay Tu Ðà Huờn), nhưng rồi lìa đời một cách bất ngờ. (Xin đọc Chú Giải Kinh Pháp Cú, Quyển lll, trang 170, hoặc Buddhist Legends, tác giả Burlingame, Phần 3, trang 14. Cũng xin đọc chương "Hàng Phụ Nữ Trong Văn Học Phật Giáo", trong phần sau sách này.)

* Hạ thứ mười chín: Tảng đá Càliya.

* Hạ thứ hai mươi: Ràjagaha, tại chùa Veluvana.

* Từ hạ thứ hai mươi mốt đến hạ thứ bốn mươi ba: Sàvatthì. Trong hai mươi bốn năm này, Ngài nhập hạ mười tám lần tại Tịnh Xá Jetavana, sáu hạ tại Pubbàràma. Ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) và Bà Visàkhà là hai vị đại thí chủ.

* Hạ thứ bốn mươi bốn: Beluva (một làng nhỏ có thể ở gần Vesàli) -- Nơi đây Ðức Phật dùng năng lực của ý chí đè nén một cơn bịnh trầm trọng.

Vào năm thứ bốn mươi lăm sau khi Thành Ðạo, Ðức Phật viên tịch tại Kusinàrà trong tháng Năm (vesàkha), trước ngày nhập hạ.

Trong hai mươi mốt hạ đầu tiên, những vị tỳ khưu Nàgasamàla, Nàgita, Upavàna, Sunakkhatta, Sàgatta, Ràdha và Meghiya và sa di (sàmanera) Cunda hầu cận Ngài, nhưng không đều đặn. Tuy nhiên, đến hạ thứ hai mươi mốt, Ðức Phật muốn có một thị giả thường xuyên theo với Ngài. Tất cả tám mươi vị đại đệ tử A La Hán, như quý Ngài Sàriputta (Xá Lợi Phất) và Moggallàna (Mục Kiền Liên) đều tỏ ý tình nguyện. Nhưng Ðức Phật không nhậm lời. Có lẽ Ngài nghĩ rằng chư vị A La Hán này sẽ giúp ích cho nhân loại nhiều hơn.

Trong suốt thời gian ấy Ðại Ðức Ànanda giữ im lặng. Chư vị tỳ khưu thỉnh Ngài xin Phật. Ànanda Thera đáp rằng, "Nếu Ðức Bổn Sư muốn tôi làm thị giả cho Ngài thì Ngài sẽ nói." Lúc ấy Ðức Phật nói: "Này Ànanda, chớ nên để người khác thuyết phục. Chính con có thể tự nguyện hầu cận Như Lai." (Xem chương 2, đề cập đến Ngài Ànanda).

(Xin xem tiếp phần 1.b)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét