Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

PHẬT HỌC CHUYÊN ĐỀ - KỲ 3: NIỀM TIN VÀ HIỂU BIẾT ĐÚNG ĐẮN



Kẻ trí và người ngu

 1. Người có trí tuệ là người có trí thức uyên bác về một vấn đề gì đó, hơn nữa họ còn có khả năng vượt lên trên, không bị vấn đề đó chi phối

2. Trí tuệ luôn luôn có mặt như một ngọn đèn soi sáng để phân biệt chọn lựa giữa thiện và ác, giữa chánh với tà, khiến chúng ta có thể nhận biết những gì nên làm, những gì không nên làm, để chúng ta tự hướng dẫn mình tiến đến an lạc và giải thoát.

3. "Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác... Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện" (Tăng Chi, III-2).

4. Người trí ưa thích im lặng như biển lớn, như cái gì đầy tràn, như ao đầy nước, còn kẻ ngu thì ồn ào như khe núi, như cái gì trống rỗng, như ghè với nước.

5. Người trí tuệ cảm giác thấy sự đau khổ, mất mát, khó chịu nhưng không sân hận( tức giận) nên không nuôi dưỡng lòng oán hận. Vị ấy không tìm cách thoát khỏi cảm giác khổ đau để đi tìm cảm giác thích thú, vị ấy không hoan hỷ, chìm đắm trong cảm giác thích thú nên tâm Tham không tăng trưởng. Vị ấy hiểu qua thực chứng thế nào là sự phát sinh, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự buông bỏ khỏi những loại cảm giác ấy, do vậy Vô minh (thiếu hiểu biết đúng đắn) đối với các loại cảm giác không tồn tại, không tăng trưởng. Như vậy người trí cảm nhận các cảm giác thích và không thích và trung tính mà không bị trói buộc vào chúng.

Ngược lại kẻ ngu vừa đau khổ về thân, vừa đau khổ về tâm, khi cảm giác khó chịu, họ nổi giận làm sự oán hận tăng trưởng, Họ tìm cách thoát khỏi sự khó chịu bằng cách tìm kiếm những cảm giác thích thú (bởi họ không còn cách khác), do hoan hỷ, chìm đắm nên các cảm giác thích thú ấy mà tâm Tham càng tăng trưởng
Vị ấy không thực sự hiểu qua thực chứng về sự phát sinh, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự buông bỏ của các loại cảm giác đó. Vô minh (thiếu hiểu biết đúng đắn) đối với các loại cảm giác tồn tại và tăng trưởng. Như vậy người ngu cảm nhận các cảm giác thích và không thích và trung tính mà bị trói buộc vào chúng.


6. “Này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, thân này của người ngu được sanh khởi. Vô minh ấy, người ngu không đoạn tận. Tham ái ấy, người ngu không tận trừ. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, người ngu sống phạm hạnh không phải vì chơn chánh đoạn tận khổ đau. Do vậy, người ngu khi thân hoại mạng chung, đi đến một thân khác. Do đi đến một thân khác, vị ấy không thoát khỏi sanh già chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói rằng vị ấy không thoát đau khổ" (Tương Ưng, II-12-19).
"Và này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái hệ phược, thân người Hiền trí được sanh khởi. Vô minh ấy, người hiền trí đoạn tận. Tham ái ấy, người hiền trí tận trừ. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người hiền trí sống Phạm hạnh, vì chơn chánh đoạn trừ khổ đau. Do vậy, người Hiền trí, khi thân hoại mạng chung không đi đến một thân khác, vị ấy giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.Ta nói rằng: Vị ấy thoát khỏi đau khổ." (Tương Ưng, II-12-19).

7. "Người ngu, dầu trọn đời,
Thân cận người có trí,
Không biết được Chánh pháp,
Như muỗng với vị canh".
Người trí, dù một khắc,
Thân cận người có trí,
Biết ngay chân diệu pháp,
Như lưỡi với vị canh". (Pháp cú 64-65)

8. "Chúng ngu si thiếu trí,
Chuyên sống đời phóng dật.
Người trí, không phóng dật,
Như giữ tài sản quý". (Pháp cú 26)
"Người trí dẹp phóng dật,
Với hạnh không phóng dật,
Leo lầu cao trí tuệ,
Không sầu, nhìn khổ sầu,
Bậc trí đứng núi cao,
Nhìn kẻ ngu, đất bằng". (Pháp cú 28)
Trích: "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi"
Thiền viện Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1990

Đã đăng KỲ 2: ĐẠO PHẬT NGUYÊN THỦY VÀ CÁC TƯ TƯỞNG CHÍNH
http://thiengiuadoithuong.blogspot.com/2014/10/phat-hoc-chuyen-e-ky-2-ao-phat-nguyen_74.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét