Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

PHẬT HỌC CHUYÊN ĐỀ - KỲ 3: NIỀM TIN VÀ HIỂU BIẾT ĐÚNG ĐẮN



Điều không thực có mà tin, điều thực có mà không tin đều là tà tín
 Tín tâm ( lòng tin) có nghĩa là niềm tin được đặt vào người (điều) cho rằng tốt đẹp, còn thực tốt đẹp hay không lại là là việc khác. Như đứa bé tin tưởng vào cha mẹ, thầy cô của chúng, đối với chúng những người này là "tuyệt vời", hoặc chúng tin có "ông tiên, bà tiên hiền lành" trong những câu truyện thần tiên diễm ảo của tuổi thơ. Tín tâm là nền tảng ban đầu của  những điều tốt đẹp.
 HỎI: Có mấy loại niềm tin?
ĐÁP:  
Thánh tín. Là đức tin của bậc Thánh, niềm tin này bất động không bị thay đổi bất kỳ do ai. Thánh tín chỉ có một loại là: Chánh tín
Phàm tín. Là đức tin của phàm nhân, đức tin này chưa vững chắc, còn lay động do chưa chứng đạt Nípbàn, nên có thể bị thay đổi.
Phàm tín có hai loại: Chánh tín và tà tín.
Chánh tín của phàm nhân  
Đó là niềm tin đặt vào thiện pháp, hoặc đặt vào đối tượng hoàn toàn trong sạch.  
1.        Tin nghiệp (kammassaddhā).
2.        Tin quả của nghiệp (vipākasaddhā).
3.        Tin vào nghiệp báo (kammassasakatā saddhā).
4.        Tin vào tuệ giác của Đức Phật (tathāgatabodhisaddhā) [22] .
a’-Thế nào là tin nghiệp?
   - Tin rằng: Do luật tự nhiên (Pháp) nên tạo ra mọi vật, không do Thượng đế tạo, cũng không phải ngẫu nhiên có.
- Tin rằng: Sự vận chuyển của pháp luôn thay đổi, nên chúng có trạng thái vô thường, biến hoại, sinh diệt liên tục.
- Tin rằng: Chúng sinh sai biệt, có tốt có xấu... là do nghiệp tạo thành.
Như một phàm nhân, nhờ tinh cần tu tập, chứng đắc Thánh quả, trở thành bậc Thánh. Kết quả này là do có "việc làm (kamma)" theo đường lối tốt đẹp (là thực hành đúng pháp).
Chúng sinh rơi vào khổ cảnh do sự vận chuyển của pháp ác xấu, chúng sinh sinh vào nhàn cảnh là do "sự vận chuyển của pháp tốt"... chẳng phải do Thượng đế ban thưởng cũng không do Thượng đế hình phạt. Chính chúng sinh ấy tự lựa chọn rồi thực hành.
 b’- Thế nào là tin quả của nghiệp?.
 Là tin rằng: "Khi luật tự nhiên vận hành sẽ tạo ra một kết quả, như nước lay động tạo ra sóng nước, hai vật chạm nhau phát sinh âm thanh như dùi trống và trống, hoặc phát sinh lửa như đá chạm mạnh vào đá..."."Sóng nước, âm thanh, lửa..." là kết quả của mỗi "hành động" trên.
Ở lãnh vực tinh thần thì "hành động của ý" sẽ tạo ra tâm quả.  Dễ hiểu hơn, tin nghiệp và tin quả của nghiệp là "tin vào nhân quả".
c’- Thế nào là tin vào nghiệp báo?
Là tin rằng: "Một khi tạo nghiệp bất thiện chính ta sẽ nhận kết quả đau khổ, khi tạo nghiệp thiện chính ta nhận được hạnh phúc từ việc lành ấy".
Ai tạo nghiệp? Chính ta tạo nghiệp; chính xác hơn là tâm sở Tư (cetanācetasika).Ai hưởng quả? Cũng chính ta hưởng quả; chính xác hơn là tâm sở thọ (vedanācetasika).
Hạnh phúc hay đau khổ chính ta tạo ra và chính ta là người nhận lãnh hạnh phúc hay đau khổ ấy; hạnh phúc hay đau khổ không do Thượng Đế hay đấng Tạo hóa nào ban tặng hoặc trừng phạt.
 d’-Thế nào là tin vào tuệ giác của Đức Phật?
Là tin rằng: "Đức Phật là bậc hoàn toàn trong sạch, có trí tuệ thông suốt tất cả pháp".
Chánh tín hàm ý là "niềm tin có trí tuệ ", "niềm tin có sự suy xét" và "niềm tin được kiểm chứng". Nếu như niềm tin không có trí, chỉ là niềm tin suông, hoặc niềm tin có trí nhưng không kiểm chứng thì cũng chưa gọi là chánh tín hoàn thiện, tuy loại niềm này tốt hơn so với niềm tin không có trí.
 Đức Thế Tôn dạy đại ý như sau: "Như người săn voi thiện xảo, tuy thấy được dấu chân voi to lớn, thấy được những vật cao bị ngà voi cắt đứt, nhưng chưa vội kết luận là con voi to lớn, cho đến khi nào thực sự trông thấy con voi".
 Bài kinh trên cho chúng ta thấy "niềm tin cần phải có trí chứng nghiệm mới xác tín được, khi có xác tín bấy giờ mới thật là "chánh tin hoàn hảo". Chánh tín có thấp có cao là như thế.
 b- Tà tín.
Tà tín là niềm tin sai lệch, có hai loại tà tín là: cuồng tín và mê tín (muddhappa).
Cuồng tín: Là "tin cực đoan" vào điều sai lầm hay nhân vật ác xấu (mà theo người tà tín "đó là lý thuyết tốt đẹp", hay là "nhân vật tối thượng".  Cuồng tín là một dạng tà kiến cực đoan.
Mê tín là tin sai lầm, có ba loại mê tín.
1’- Tin vào điều hoàn toàn vô căn cứ. Như tin có tự ngã, có đấng Sáng tạo, tin Thần táo, tin đốt giấy tiền vàng mả giúp người thân ở âm phủ ...
 Tin vào điều vô căn cứ này dựa vào truyền khẩu (lời đồn), như có vài kẻ phao tin thất thiệt: "Tượng Phật này linh ứng, ngôi chùa nọ chiếu hào quang... cốt để những người nhẹ dạ tìm đến cúng dường, sùng bái..."Hoặc một số đệ tử phao tin "thầy mình là Phật sống" (chẳng hiểu họ căn cứ vào đâu để biết thầy mình đã đắc đạo, trở thành phật sống? Vì nếu biết được như thế thì chính họ đã đắc đạo, đã là "Phật sống"). Niềm tin vô căn cứ này được xếp vào tâm sở si (mohacetasika) hay tà kiến (micchādiṭṭhi).
 2’- Tin vào điều lệch lạc. Điều lệch lạc là điều không hẳn sai nhưng không hoàn toàn đúng. Như một số Phật tử tin vào một tha lực có thể giúp họ thoát khổ.
Ở đây, "thần lực của Thiên nhân" là có thật, nhưng không phải do cúng bái, cầu khẩn mà chư thiên giúp đỡ, chư thiên chỉ hộ trì khi họ tạo thiện nghiệp. Một người làm việc ác quấy, gây đau khổ cho người khác, người ấy cầu khẩn chư thiên hộ trì cho y "tai qua nạn khỏi". Nếu chư thiên hộ trì người này thì đó là "ác chư thiên" vì "hộ trì kẻ ác".Và nếu là như thế thì "cả hai đều rơi vào khổ cảnh", vì ác nghiệp này sẽ cho ác quả.  Một số Phật tử cũng có ý nghĩ tương tự, tức là "không thực hành giới - định - tuệ", chỉ "bố thí, niệm phật" là được sinh về "cõi phật". Dĩ nhiên, "bố thí, niệm phật" là tốt, nhưng không thể dẫn đến giải thoát, nếu không thực hành pháp quán và "cõi Phật" có hay không? Lệch lạc là đây, sai lầm là đây.
Đức tin trong trường hợp này là đức tin ly trí- không có trí tuệ (ở khía cạnh đúng) và mê tín (ở khía cạnh "tin sai").
  Đức tin không có trí thường dẫn đến tà tín.
3’- Điều thực có nhưng không tin. 
Điều không thực có mà tin, điều thực có mà không tin đều là tà tín
Trích"Tâm Sở Vấn Đáp"

Đã đăng KỲ 2: ĐẠO PHẬT NGUYÊN THỦY VÀ CÁC TƯ TƯỞNG CHÍNH
http://thiengiuadoithuong.blogspot.com/2014/10/phat-hoc-chuyen-e-ky-2-ao-phat-nguyen_74.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét