Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

PHẬT HỌC CHUYÊN ĐỀ - KỲ 4: NHÂN QUẢ VÀ NGHIỆP


Tái sanh là sự tiếp diễn đời sống
 Tái sanh là sự tiếp diễn đời sống (sanh vào kiếp sau) khi kiếp sống hiện tại chấm dứt. Theo đạo Phật, không có đời sống vĩnh viễn trên thiên đàng hay địa ngục. Sanh rồi tử, tử rồi sanh, tái sanh tùy thuộc nơi nghiệp, hai cặp này đi đôi với nhau.
Ðời sống không phải chấm dứt lúc chết mà tiếp diễn tái sanh vào kiếp kế. Luồng nghiệp và lòng tham ái khát khao là động lực làm cho đời sống trôi chảy.
Sự sanh hiện tại do nghiệp tham ái quá khứ đưa đến. Sự bám víu vào đời sống hiện tại sẽ trổ quả là sự tái sanh vị lai.
Có thể nói chúng ta sống và chết từng khoảnh khắc. Sự sanh và diệt trong đời sống luôn tiếp nối nhau như các ngọn sóng tiếp nối nhau trên đại dương. Tâm lý và vật lý thay đổi không ngừng tạo ra tiến trình liên tục, không có một khoảng cách nào ở giữa.
Trong tiến trình sanh tử không có linh hồn thường còn, bất biến chuyển sinh từ kiếp nầy đến kiếp khác. Con người là tổng hợp của Thân và Tâm, không phải là bản ngã thường còn. Tâm là nguồn lực linh động trôi chảy liên tục, chứa đựng tất cả kinh nghiệm ghi nhận trong hiện tại và vô lượng kiếp quá khứ. Khi Ðức Phật đề cập đến chúng sanh hay một cá nhân, là tổng hợp Thân và Tâm, là sự thay đổi liên tục của các động năng, điều nầy rất phù hợp với khoa học ở thế kỷ 20.


 Trước hết, học thuyết Phật Giáo về luân hồi khác biệt với những giáo thuyết khác về Tái Sanh, hay chuyển di linh hồn, bởi vì Phật Giáo không chấp nhận sự hiện hữu của một linh hồn bất biến, bất diệt. 
Người Phật Tử không hình dung sự hiện hữu của một linh hồn bất biến hay ngay cả một chúng sanh bất biến, cho dù chúng sanh này xuất hiện dưới hình thức trời, người hay thú vật. Những hình thái này chỉ là thể hiện của nghiệp lực. Quan niệm cá thể trên thực tế cùng tột, nó chỉ là một hợp thể của tinh thần và vật chất.
  Phật giáo giảng dạy một loại tâm lý học không có linh hồn, cho rằng con người được cấu tạo do hai thanh phần: tinh thần và vật chất (Nàma và Rùpa). Hai thành phần này ở trong trạng thái một triều lưu thay đổi không ngừng nghỉ:
* Thành phần vật chất (Sắc - Rùpa) là sự thể hiện của năng lực và các dạng năng lượng không ngừng biến đổi và tác động lẩn nhau. Sắc được qui định (chi phối) bởi 4 yếu tố:
1) Nghiệp (Kamma), tức là năng lực của những hành động trong quá khứ;
2) Tâm (Citta), tức là những phẩm chất và tác động của tinh thần;
3) Nhiệt năng (Utu), tức là sự biến đổi vật lý của yếu tố nhiệt lượng;
4) Chất dinh dưỡng (Ahara), là yếu tố dinh dưỡng của thức ăn.
* Thành phần tinh thần (Danh - Nàma) là phần quan trọng nhất của bộ máy con người, gồm có:
1) Thọ hay cảm giác (vedanà);
2) Tưởng hay tri giác (sannà);
3) Hành (Sankhàrà) là sự phối hợp của 50 tâm trạng, tạo thành những sinh hoạt tâm có tác ý;
4) Những trạng thái tinh thần này diễn ra trong ý thức trường, được gọi là thức (vinnàửa). Bốn loại hiện tượng tinh thần ấy, phối hợp với hiện tượng vật chất ở trên, tạo ra năm uẩn (Pancakkhandha).
Con người chính là vật cấu hợp phức tạp ấy.
Mỗi đơn vị tâm xuất hiện dưới 3 dạng thái: sinh (uppàda), trụ (thiti), và diệt (bhaởga). Khi một đơn vị tâm diệt, một đơn vị khác sanh lên. Ðơn vị tâm sau chắc chắn không giống với đơn vị tâm trước - vì cấu tạo của nó đã khác - nhưng cũng không hẳn hoàn toàn khác biệt, bởi vì nó thể hiện sự liên tục của dòng nghiệp lực.
Không nên lầm lẫn nghĩ rằng tâm thức bị cắt ra từng mảnh ráp nối lại với nhau như một xe lửa hay một dây xích. Trái lại, nó trôi chảy một cách liên tục như một dòng sông vừa tiếp nhận những nhánh suối phụ thuộc của các giác quan, làm tăng trưởng liên tục dòng nước, đồng thời phân phối ra thế giới bên ngoài những "chất liệu tư tưởng" mà nó đã tích tụ được. Nó có sự sanh làm khởi điểm và chết làm cuối điểm. Sự chớp nhoáng của luồng tâm thức rất khó mà đo lường xác đáng được, cho dù chỉ phóng lượng. Các nhà chú giải dám tuyên bố là một chập tâm ngắn hơn một phần tỉ của sấm chớp.
Tóm lại, chúng ta có sự kế tiếp của nhiều trạng thái tâm thoáng qua, khác với sự chồng chất những trạng thái tâm này, như nhiều người vẫn tưởng. Một trạng thái tâm, khi đã qua đi, sẽ không trở lại và sẽ không bao giờ hoàn toàn giống với trạng thái tâm trước. những trạng thái tâm này thay đổi liên tục và không bao giờ giống nhau ở hai thời điểm kế tiếp. Nhưng đối với chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự nhận thức bị che án bởi màn vô minh, chúng ta tưởng rằng sự liên tục bề ngoài như là cái gì trường cữu trong cái tâm thức luôn luôn chuyển dịch này, và chúng ta suy diễn thành một linh hồn bất diệt, một Bản Ngã vừa chủ động và vừa thu nhận tất cả những hành động.
"Cái mà chúng ta gọi là 'Bản Ngã', giống như một vật sáng hình thành bởi nhiều đốm sáng liên tục tiếp nối một cách thật nhanh, đến nỗi mắt con người không có khả năng phân biệt thành từng đốm riêng biệt" (Dahlke).  Cũng như thế ấy, không có một linh hồn trường cữu nằm bên trong sự vật qui ước được gọi là "Bản Ngã", mà thực tế chỉ là sự kết hợp của Ngủ Uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức). Chúng ta không thể nói mùi hương của một cái hoa nằm trong cánh hoa, hoặc trong nhụy hoa, hay trong màu hoa, nó nằm trong toàn thể cái hoa. Tương tự như thế, một cá thể được qui định bởi sự phối hợp của năm thành phần nói trên. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu rõ rằng chữ "Bản Ngã" chỉ định cái diễn tiến hiện tượng tâm vật lý không ngừng sanh diệt ấy, thì không có cái gì trở ngại khi sử dụng danh từ này. Chính Ðức Phật đôi khi cũng dùng chữ "Ngã" để chỉ định hợp thể các "Ngũ Uẩn".
Chính cái giáo lý Vô Ngã, Vô Linh Hồn (Anattà) là đặc thù chính yếu của Phật Giáo.

Làm sao sự tái sanh có thể xảy ra được nếu không có sự hiện hữu của linh hồn?
Ðối với Phật Giáo, sanh là sự thể hiện, sự xuất hiện của năm thành phần (Ngũ Uẩn) tạo thành một "cá thể". Cũng giống như sự xuất hiện của trạng thái vật lý được chi phối bởi trạng thái vật lý trước đó, tạo điều kiện cho nó; thì sự xuất hiện của tiến trình tâm - vật lý của một cá thể - được điều kiện hóa bởi những nhân duyên xảy ra trước sự sanh. Tiến trình "hình thành" hiện tại là kết quả của một ước muốn "hình thành" trong kiếp quá khứ và ước muốn "hình thành" hiện tại sẽ tạo điều kiện cho một đời sống trong kiếp vị lai.
Cũng như tiến trình sống có thể xảy ra, không cần có một cái gì trường cữu chuyển di từ một chập tư tưởng này sang một chập tư tưởng khác, thì một loạt liên tiếp những tiến trình sống có thể xảy ra, không cần có một linh hồn chuyển sanh từ kiếp này sang kiếp khác.
Thí dụ: chúng ta có một lô hòn bi đặt liền nhau, nếu chúng ta tống một lực thật mạnh vào hòn bi đầu tiên bất động; nó cũng sẽ ở bất động, nhưng cái lực mà nó đã nhận được sẽ được truyền cho những hòn bi khác và hòn bi cuối cùng sẽ chuyển động. Không phải hòn bi đầu tiên chuyển di vào những hòn bi khác, nhưng cái sức đẩy đã xuyên thấu và tác động trên hòn bi cuối cùng.
Cũng như thế ấy, một chúng sanh, khi chết, chuyển giao nghiệp lực của nó cho một chúng sanh khác, và chúng sanh mới này bị chi phối bởi nghiệp của kẻ đi trước.

 Đã đăng KỲ 3: NIỀM TIN VÀ HIỂU BIẾT ĐÚNG ĐẮN

1 nhận xét:

  1. Khen cho câu kết luận:

    "Cũng như thế ấy, một chúng sanh, khi chết, chuyển giao nghiệp lực của nó cho một chúng sanh khác, và chúng sanh mới này bị chi phối bởi nghiệp của kẻ đi trước."

    Bởi nó không mê tín, không dựa tha lực, nó nhắc nhở, hãy sống trân trọng từng giây phút, vô hại và có ích cho cộng đồng. Hơn là làm việc thiện để có được gì đó lợi ích trong đời vị lai.

    Trả lờiXóa