TỨ DIỆU ĐẾ: PHẦN 3 - DIỆT ĐẾ | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

TỨ DIỆU ĐẾ: PHẦN 3 - DIỆT ĐẾ


PHẦN 3: DIỆT ĐẾ HAY SỰ THẬT THÁNH THIỆN THỨ BA

Sự Thật thánh thiện thứ ba hay Diệt Đế là sự thật của sự chấm dứt khổ đau. Khi thấy và biết được sự chấm dứt khổ đau, chúng ta sẽ có khả năng nhìn xuyên thấu và chịu đựng tác động của một số tham ái, thay vì chỉ biết chạy theo thói quen chống lại hay tìm cách thỏa mãn chúng. Chúng ta sẽ bớt dính mắc vào tham ái và bớt chăm lo thỏa mãn những tham muốn của mình. Chúng ta để cho tham ái chấm dứt một cách tự nhiên. Chúng ta trải qua và chịu đựng được sự nhàm chán hay đau đớn, hoài nghi và tuyệt vọng, và hiểu rằng chúng sẽ chấm dứt. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì thái độ chấp nhận và chịu đựng khổ đau nầy có vẻ thụ động, bi quan và yếm thế. Nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác, khả năng chịu đựng, trải qua và thấy được sự chấm dứt của khổ đau nầy sẽ giúp chúng ta trưởng thành về tâm lý và tình cảm.

Người đời thường cho rằng mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Chúng ta sẽ hạnh phúc và giàu có hơn, chúng ta sẽđược nghỉ ngơi và vui chơi nhiều hơn, và rồi mọi việc trong đời sống sẽ đẹp đẽ hơn. Chúng ta sẽ luôn luôn tiến về phía trước. Khi còn trẻ và ngây thơ, chúng ta tin cuộc đời là như thế; chúng ta tôn thờ tuổi trẻ cùng với sự thành hình, phát triển và tiến bộ gắn liền với tuổi trẻ. Nhưng ngày nay, nhiều người đã mệt mỏi và chán ngán tất cả những gì gắn liền với cái nhìn lạc quan "tếu" nầy. Họ xem thái độ trên là thể hiện sự non nớt về tình cảm; và dưới con mắt của người Phật tử, sự mệt mỏi và chán ngán nầy không phải là dấu hiệu bi quan mà là biểu hiện của sự trưởng thành về tình cảm và tâm lý. Đó là dấu hiệu họ đang quan sát cuộc đời kỷ lưỡng hơn và đã hiểu quy luật phát triển của cuộc sống. Khi bạn có khả năng thấy, ghi nhận và hiểu được sự chấm dứt của khổ đau, trí tuệ sẽ phát sinh. Khi hiểu được đầy đủ và trọn vẹn sự chấm dứt của khổ đau, chúng ta sẽ rất bình thản, vì khi chúng ta để cho mọi việc chấm dứt một cách tự nhiên và không tìm cách loại trừ nó, tâm chúng ta sẽ thanh tịnh và tĩnh lặng.

Khi bạn tìm cách trừ diệt sự lo sợ hay giận dữ thì điều gì sẽ xảy ra? Bạn sẽ chỉ trở nên bồn chồn hoặc chán nản và để dứt trừ trạng thái bồn chồn hay chán nản này, bạn lại tìm một cái gì đó để ăn, để hút, để uống, hay đi làm một việc gì khác. Nhưng nếu bạn biết chờ đợi và chịu đựng sự bồn chồn và thôi thúc của tham ái, sân hận, hoài nghi, tuyệt vọng và những cơn dã dượi buồn ngủ, và nếu bạn quan sát được sự chấm dứt của những trạng thái tâm lý nầy, tâm bạn sẽ bình tĩnh và sáng suốt. Đây là điều mà bạn sẽ không bao giờ có được nếu bạn cứ luôn chạy theo cái gì đó ở bên ngoài.

Đây là ý nghĩa và tác dụng của công phu hành thiền. Nếu bạn ngồi thiền và kiên nhẫn chịu đựng, tâm bạn sẽ đi vào tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng nầy sinh khởi vì bạn không còn tìm cách để trở thành một cái gìđó hay diệt trừ một cái gì đó. Đó là sự tĩnh lặng nội tâm hay thoải mái trong tâm hồn trong đó bạn không còn gắng sức vùng vẫy để trở thành một cái gì đó (ái hữu), để thỏa mãn dục lạc (ái dục), hay để diệt đi những phiền muộn (ái vô hữu). Bạn sẽ trở nên thoải mái với những trạng thái phiền muộn nầy. Bạn bắt đầu sống chung một cách bình thản và dễ chịu với những đau đớn về thể xác, bồn chồn và khổ tâm của mình v.v… Và rồi bạn thấy rằng tâm của bạn sẽ rất trong, rất sáng và rất an tĩnh.
Bây giờ, chúng ta sẽ thấy là những điều kiện được sinh ra rồi mất đi nầy là không có tự ngã. Thật ra, thế giới vật chất chung quanh chúng ta là do nhiều điều kiện cấu tạo; Thí dụ như tất cả những gì chúng ta thấy được, cả con mắt của chúng ta, và nhãn thức chỉ sinh ra khi có sự tiếp xúc giữa con mắt của chúng ta và những sự vật bên ngoài. Cũng tương tự như thế với những điều kiện của tai và âm thanh, mũi và mùi hương, lưỡi và vị nếm, sắc thân và những xúc chạm của nó với thế giới chung quanh. Thế giới tâm thức cũng bao gồm những điều kiện này với tư tưởng và trí nhớ, tri giác và khái niệm. Tiếng Pali gọi tất cả những điều kiện của thế giới vật chất và tâm nầy là Anatta hay Vô ngã. Những điều kiện nầy không phải là ta, không phải là của ta, không phải là cái ta thường hằng bất biến, và không phải là thực tại tuyệt đối của thế gian. Chúng là những điều kiện luôn thay đổi. Ngay bây giờ, bạn đang ý thức đầy đủ về tình cảm, tư tưởng hay bất kỳ phản ứng nào khởi sinh trong thân bạn. Đây là những gì chúng ta có thể quan sát được. Và chúng ta quan sát được gì từ những điều kiện nầy? Chúng ta quan sát và thấy rằng chúng sinh ra rồi mất đi và không có tự ngã.

Thay vì thuyết phục chúng ta tin vào cảnh giới Bất sinh bất diệt, vào sự Thật tuyệt đối hay một Đấng Thượng đế nào đó, Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy những gì đang sinh khởi trong thế gian nầy. Ngài khuyên chúng ta nên xem xét và quan sát những điều kiện được sinh khởi trong thế gian vì đó là những gì mà chúng ta có thể trực tiếp thấy và biết được. Ngài dạy rằng chánh niệm và tỉnh giác về những gìđược sinh khởi trong thế gian sẽ đưa chúng ta đến cảnh giới Bất sinh bất diệt vì khi chánh niệm và tỉnh giác, chúng ta có thể trực tiếp kinh nghiệm những gì được khởi động và phát sinh từ trạng thái Bất sinh bất diệt và đang thay đổi và vận hành để trở về trạng thái Bất sinh bất diệt.

Đức Phật gọi kinh nghiệm về cảnh giới Bất sinh bất diệt nầy -- một kinh nghiệm không thể diễn tả bằng lời -- là Niết Bàn (Nibbana), là sự tĩnh lặng hay sự mát mẻ. Cụm từ "Bất sinh bất diệt" có thể gợi cho chúng ta ý nghĩa gần giống như sự tịch diệt hay hư vô, nghĩa là một trạng thái không có linh hồn, tự ngã hayThượng Đế. Cụm từ nầy cũng có thể gợi lên một ý nghĩa thật buồn thãm và thê lương, nhưng đó không phải là điều Đức Phật muốn dạy chúng ta. Đức Phật chỉ muốn dạy chúng ta thấy rằng những điều kiện sinh khởi từ trạng thái Bất sinh bất diệt nầy là hết sức bất toại nguyện (khổ), không ngừng thay đổi (vô thường), và không có tự ngã ( ngã). Ngài không đưa ra lý thuyết Vô Ngã và khuyên chúng ta phải tin vào đó, nhưng Ngài chỉ cho chúng ta con đường mà nếu đi trên con đường đó, chúng ta sẽ thấy được sự thật về đặc tính khổ, vô thường, và vô ngã của vạn pháp. Khi quán sát những điều kiện sinh khởi trong thân và tâm, bạn sẽ nhận ra rằng chúng đến rồi đi; chúng thay đổi.Những điều kiện nầy không phải là chất liệu mà bạn có thể dùng tay rút ra, nắm lấy và tuyên bố rằng: "Nó là của tôi." Khi có những tiếng ồn khó chịu, nếu bạn nghĩ, "Tôi căm ghét những tiếng ồn nầy. Trờiđất nầy không thể dung chứa những tiếng ồn như thế. Tôi sẽ thưa lên nhà cầm quyền sở tại để giải quyết việc nầy," thì rõ ràng là bạn đang xem những tiếng ồn đó là của bạn. Nhưng khi bạn nhận rađược sự thật là những tiếng ồn nầy đến rồi đi và sẽ thay đổi, và nếu bạn kiên nhẫn quan sát điều này, thì ngay cả những gì khó chịu nhất cũng sẽ làm cho bạn bình an và tĩnh lặng. Khi bạn sống hòa hợp với thế giới vật chất nầy và với tất cả những gì bạn suy nghĩ, cảm nhận, thể nghiệm qua sự tiếp xúc của năm giác quan và tâm thức với tâm an tịnh, tĩnh lặng và chánh niệm, thì đó chính là cái mà tôi gọi là Kinh nghiệm không thể diễn tả bằng lời, là cảnh giới Bất sinh bất diệt, và là quả vị Niết Bàn.

Vì thế chúng ta hành thiền. Hành thiền là nhìn trực tiếp vào sự diễn biến tự nhiên của tất cả sự vật. Chúng ta quan sát đặc tính chung của tất cả hiện tượng do nhân duyên sinh khởi: Chúng sinh rồi diệt;đó là đặc tính vô thường (anicca); Chúng là bất toại nguyện hay đau khổ; đó là đặc tính đau khổ (dukkha) và sự đau khổ nầy có sự bắt đầu và chấm dứt của nó; và tự chúng không có cái ngã; đó là đặc tính vô ngã (anatta).


0 nhận xét:

Đăng nhận xét