PHẬT HỌC CHUYÊN ĐỀ - KỲ 6: TỨ DIỆU ĐẾ | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

PHẬT HỌC CHUYÊN ĐỀ - KỲ 6: TỨ DIỆU ĐẾ

Bốn sự thật cao quý
Dukkha Ariya Sacca, sự thật cao thượng về khổ, là sự thật thứ nhất.
Dukkha nghĩa là bất toại nguyện;Các bậc giác ngộ hiểu về sự thật của khổ khác với cách hiểu của người bình thường. Những người bình thường hiểu về khổ hay bất toại nguyện theo cách khác, bởi vì họ nhìn nó như cái gì đó thuộc về cá nhân họ, nhưng đối với những người giác ngộ, khổ hay bất toại nguyện không phải là cái gì đó thuộc về cá nhân người nào, nó không phải của một ai hết.

Chừng nào bạn còn có suy nghĩ “Tôi đang đau khổ” hay “Tôi không thấy toại nguyện”, thì bạn vẫn còn chưa thực sự hiểu đúng về sự thật khổ và bạn sẽ không bao giờ có thể vượt qua được nó. Đó là một cái bẫy, khi nào bạn còn nghĩ “Tôi đang đau khổ và bây giờ phải làm thế nào để vượt qua nỗi khổ này đây?”, thì chừng đó bạn vẫn không bao giờ có thể vượt qua được nó.

Để thực sự vượt qua được khổ, bạn phải có khả năng nhìn nó như một cái gì đó không thuộc về cá nhân mình. Nếu bạn nghĩ “nỗi khổ của tôi”, tức là bạn vẫn đang ở trong đau khổ. Chỉ khi nào bạn thấy khổ chỉ là khổ, không có ai hay một chúng sanh nào ở đó, thì sự hiểu biết đó mới giúp bạn vượt thoát khỏi đau khổ. Đó chính là điều chúng ta phải làm khi thiền.

Sự thật cao thượng thứ hai là: Dukkha Samudaya Ariya Sacca –nguyên nhân của khổ như các bậc giác ngộ đã hiểu. Cái gì là nguyên nhân khổ? Đó là tham ái, dính mắc, dục tham, khao khát hoặc bất cứ từ nào đồng nghĩa với tham.

Sự thật cao thượng thứ ba: Dukkha Nirodha Ariya Sacca – sự đoạn diệt đau khổ hay sự bình an tối thượng được các bậc giác ngộ chứng nghiệm. Thật là khó để dùng từ con người giác ngộ, họ có phải là con người, là chúng sanh hay không? Thực ra, không hẳn vậy. Ngôn từ chỉ có thể được sử dụng theo nghĩa quy ước.

Sự thật cao thượng thứ tư là: Dukkha Nirodha Gāminīpatipadā Ariya Sacca – con đường dẫn đến đoạn diệt khổ như các bậc giác ngộ đã hiểu.

Khi chúng ta nói về sự thật, thì sự thật thể hiện ở đâu? Sự thật là một cái gì đó mà tâm chúng ta hiểu và nhận thức. Vì vậy, phải có một cái tâm hiểu sự thật, không có tâm thì không có sự thật. Khi chúng ta nói về sự thật hay sai trái, nó hàm nghĩa rằng có một người nào đó hiểu điều đó. Sự thật ngụ ý là hiểu biết; hiểu biết bao hàm tâm, trí tuệ. Thực ra chính là trí tuệ hiểu, không phải một người nào đó hiểu, mà là trí tuệ hiểu. Trí tuệ đích thực hiểu.
Trích “ Hai thực tại”

Đã đăng KỲ 5: GIỚI – NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC
http://thiengiuadoithuong.blogspot.com/2015/01/bai-tong-hop-ky-5-gioi-nen-tang-ao-uc.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét