Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

MẦM SỐNG Cẩm nang thực hành thiền Minh Sát 4

NHỮNG CHỈ DẠY
Ngài Achaan Chah

1. Lúc ban đầu bạn phải dựa vào một vị thầy để được hướng dẫn, chỉ bảo. Bạn phải tuân thủ theo sự dạy dỗ của vị thầy. Khi hiểu được pháp hành bạn không cần vị thầy hướng dẫn nữa mà hãy tự làm công việc của mình. Bất cứ khi nào phóng dật hay tâm bất thiện khởi sanh, hãy tự biết và tự dạy cho mình. Tâm là người hay biết, người quan sát. Tâm biết bạn còn rất nhiều si mê hay chỉ còn đôi chút.
2. Dù một người hạnh phúc hay buồn chán, hài lòng hay không hài lòng điều đó không phụ thuộc vào việc họ có nhiều hay ít mà tuỳ thuộc vào trí tuệ có được. Tất cả khổ đau có thể được chuyển hoá thông qua trí tuệ, thông qua việc thấy được sự thật của sự vật hiện tượng.
3. Bạn cần phải thực hành cho dù có thích hay không, đó chính là lời Đức Phật dạy chúng ta.
4. Thực hành Pháp là đi ngược lại các thói quen còn sự thật hay chân lý là đi ngược lại ước muốn của chúng ta.
5. Chúng ta thực hành để được gì? Chúng ta thực hành để buông xả, không để được cái gì cả.
6. Trí tuệ là chức năng động lực của định; định là mặt thụ động của trí tuệ. Chúng khởi sinh cùng một nơi, nhưng khác hướng và khác chức năng.
7. Tập trung có nghĩa là tập trung với sự buông xả, không phải để thắt chặt bạn lại.
8. Tôi chỉ quan sát phẩm chất của việc hay biết. Nếu cơn giận khởi sinh, tôi tự hỏi mình tại sao. Nếu tham ái khởi sinh tôi cũng tự hỏi tại sao. Hãy suy ngẫm vấn đề này cho tới khi bạn có thể xử lý giải quyết các cảm xúc yêu ghét, cho tới khi chúng hoàn toàn tan biến. Khi ngừng được yêu ghét trong mọi hoàn cảnh, tôi có thể chuyển hoá khổ đau. Không quan trọng điều gì xảy ra nhưng tâm tôi được giải thoát và bình an.
9. Nếu chúng ta dính mắc ngay cả vào cái đúng và không thừa nhận bất kỳ điều gì ai nói thì đó là sai lầm. Dính chặt vào cái đúng là do bản ngã và không có được sự buông xả. Khi dính mắc khởi sinh, ngay lập tức cần có sự buông bỏ. Nếu sự phản ứng của bạn là tức thời thì bạn sẽ buông bỏ được.

CHẮT LỌC
1. Khi có chánh niệm thì không có suy nghĩ về các đối tượng xa hay gần.
2. Một vị Alahán cũng suy nghĩ về khái niệm sau khi nhìn, nhưng đó chỉ là tâm duy tác mà không có bất thiện.
3. Nếu không hiểu chính xác về Pháp chân đế (sự thật tuyệt đối) và Pháp tục đế (sự thật chế định) thì không thể xóa bỏ được tà kiến về ngã.
4. Có 3 cái chết: chết thông thường, chết trong từng sát na, cái chết của vị Alahán.
5. Dính mắc là một sự lệ thuộc. Tự do thực sự chỉ khi không có sự lệ thuộc.
6. Các yếu điểm sẽ được phát hiện khi ngày càng có ít sự dính mắc.
7. Chánh niệm là không quên thiện pháp, không quên đối tượng đúng.
8. Đối tượng (Pháp) luôn sinh khởi, nhưng sẽ không xuất hiện nếu không có sự nhận biết.
9. Hành thiền sẽ giúp chúng ta ngày càng trở nên chân thật hơn.
10. Vô minh là không biết những cái cần phải biết.
11. Chánh niệm ghi nhận cái bất thiện thì rất có giá trị.
12. Chúng ta không thể không có bất thiện, vấn đề là có ghi nhận được nó hay không mà thôi.
13. Cuộc sống sẽ không suôn sẻ nếu không có chánh niệm.
14. Tâm tham bao giờ cũng mong muốn một kết quả cụ thể.
15. Mọi người đều biết nó xảy ra nhưng không biết lý do vì sao.
16. Nếu người khác đúng hãy mừng cho họ. Nếu sai hãy thông cảm với họ.
17. Già, chết, chia ly không tránh khỏi. Nghiệp sẽ quyết định tương lai. Tuệ giác sẽ giúp giải thoát.
18. Nếu dính mắc vào kinh nghiệm tốt, kinh nghiệm xấu sẽ tới. Nếu khó chịu với kinh nghiệm xấu, kinh nghiệm tốt không thể xuất hiện. Hành thiền là phải biết quan sát cả kinh nghiệm tốt và kinh nghiệm xấu. Thực chất chúng diễn ra theo bản chất của chúng, không có tốt hay xấu.
19. Không cần thiết phải vui mừng hay buồn chán đối với kinh nghiệm đang xảy ra. Hãy vui mừng vì chánh niệm luôn được duy trì.
20. Định bị mất khi các đối tượng khác xen vào (do cử động, do nuốt nước miếng), đó không phải là sự ổn định tâm, đây là loại định chỉ có khi có các đối tượng quan sát thích hợp.
21. Dính mắc, ngay cả đối với cái đúng, đơn giản là do bản ngã, không có sự buông bỏ ở đó.
22. Bất cứ khi nào tiếp xúc với đối tượng, việc đầu tiên cần làm là kiểm tra chánh niệm đã có mặt hay chưa.
23. Thậm chí ngay cả khi đúng, cái đúng đó cũng chỉ là giới hạn. Tâm cần vượt lên trên cả đúng và sai.
24. Chấp chặt vào cái đúng sẽ không còn đúng nữa.
25. Tâm chạy ra ngoài là nguyên nhân của khổ. Kết quả tâm chạy ra ngoài là khổ. Tâm thấy được tâm là đạo (con đường diệt khổ). Kết quả của việc thấy được tâm là diệt khổ.
26. Nếu chúng ta có thời gian để thở thì cũng có thời gian để hành thiền.
27. Mong muốn để tâm được an tịnh, đó chính là sự không an tịnh. Nếu tâm không an tịnh hãy ghi nhận biết rằng tâm không an tịnh.
28. Phiền não chỉ sinh khởi đối với cái chúng ta thấy, nghe...
29. Mặc dù hiện tại chúng ta không thấy có tham và sân, nhưng với chánh niệm sắc bén chúng ta sẽ thấy tâm si luôn có mặt.
30. Nếu phát hiện đang sân, đừng suy nghĩ thêm về bất kỳ điều gì khác (nếu không nó chỉ liên quan tới đối tượng sân mà thôi). Hãy nhẹ nhàng quan sát cơn sân một cách liên tục.
31. Chúng ta chỉ biết cái mình đã thấy, nhưng chúng ta không biết về những cái chưa từng được biết tới.
32. Cái mà chúng ta cần phát triển là 3 nhân tố đầu của Thất Giác Chi (đó là nhân): Niệm, trạch pháp và tinh tấn.
33. Không có sự an toàn thật sự trong các mối quan hệ. Sự phụ thuộc chỉ tạo ra sợ hãi. Nếu không hiểu được tiến trình của sự bất an và sợ hãi này, quan hệ sẽ trở thành chướng ngại ràng buộc.
34. Chúng ta là cái chúng ta sở hữu. Nếu không có sở hữu, chúng ta không còn là gì cả, hoàn toàn trống rỗng.
35. Nếu còn sợ hãi thì không có tự do, nếu không có tự do thì không có sự bác ái. Nếu chỉ đơn thuần muốn gạt bỏ sự sợ hãi, chúng ta sẽ tìm ra cách thức thoát khỏi nó, nhưng không bao giờ có được sự tự do thoát khỏi sợ hãi.
36. Mong muốn luôn được đảm bảo làm cho chúng ta sợ hãi và bất an. Sợ hãi là sự không chấp nhận hiện tại xảy ra.
37. Vấn đề là phải hiểu về bản chất của sự thích thú mà không phải là cố gắng gạt bỏ nó (đó là điều ngờ nghệch). Nếu cuộc sống chỉ có sự thích thú và luôn có được cái chúng ta muốn thì sự thích thú đó sẽ chuyển sang hình thức đau khổ và khó chịu.
38. Xung đột là kết quả của việc điều kiện hóa. Chừng nào còn bị điều kiện hóa thì còn dính mắc (dính mắc về công việc, quan hệ, tài sản, ý kiến, quan điểm, con người ...)
39. Dính mắc là do có sự hài lòng. Nhưng do nhận thức được sự đau khổ, chúng ta muốn có được sự hài lòng thông qua sự buông bỏ. Buông bỏ cũng giống như dính mắc, chừng nào nó còn tạo ra cho chúng ta cảm giác hài lòng. Cái mà chúng ta thực sự muốn tìm kiếm là sự hài lòng, chúng ta muốn được thỏa mãn bằng mọi cách. Dính mắc và buông bỏ luôn ràng buộc chúng ta, cả hai cần phải được chuyển hóa.
40. Khi bắt đầu định hình theo một khuôn mẫu thì không còn trong tiến trình tìm hiểu "tôi là ai".
41. Không có cảm xúc nào mà không đi kèm theo suy nghĩ. Đằng sau suy nghĩ là sự thích thú.
42. Cuộc sống là tiến trình của thử thách và ứng xử. Thử thách thì luôn mới, nhưng cách ứng xử thì cũ rích - Nó bị điều kiện hóa và là kết quả từ quá khứ.
43. Tất cả suy nghĩ đều xuất phát từ ngôn từ, chúng ta suy nghĩ bằng ngôn từ. Liệu tâm có thể thoát ra khỏi từ ngữ được không? Ngôn từ thì chỉ có giới hạn, khi suy nghĩ không còn ngôn từ sẽ vượt ra khỏi giới hạn.
44. Khi đạt được mục tiêu mọi thứ sẽ chấm dứt. Việc đạt được không quan trọng. Sự hiểu biết có được luôn nằm trong tiến trình, còn không chúng ta sẽ quay trở lại lối mòn của tâm trí.
45. Cần phân biệt hai tiến trình: (1) sự hay biết thuần túy thì không có lựa chọn, phê phán, đánh giá, thích hay không thích; (2) sự nhận xét, phê phán, đánh giá về đối tượng đang quan sát.
46. Ghi nhận thuần túy được ví như một tấm gương, nó tiếp nhận trọn vẹn mà không loại trừ bất cứ thứ nào, luôn phản ánh một cách trung thực không sai lệch.
47. Sự ghi nhận tự nhiên chỉ có thể có được khi có sự quan tâm thích thú. Sự quan sát khi đó sẽ diễn ra một cách trôi chảy.
48. Nếu đang có sân hận và chúng ta lại có ý tưởng về sự vô sân, như vậy sẽ tạo ra xung đột. Việc chúng ta gò mình vào sự vô sân thì chính nó là một sự xung đột. Vấn đề trước nhất là phải nhận ra mình đang sân, chứ không phải cố gắng để biến mình thành vô sân.
49. Hãy quan sát tất cả các hiện tượng như chúng ta mới gặp lần đầu.
50. Về mặt tâm lý chúng ta luôn muốn có một sự đảm bảo an toàn và chắc chắn trong mọi mối quan hệ, mà điều này thì không bao giờ có.
51. Tất cả các vấn đề không nhất thiết phải bị lên án, chỉ trích mà cần phải được hiểu rõ về bản chất của chúng.
52. Hiện tượng xảy ra không phải do một mà do nhiều nguyên nhân. Do vậy, cách nhìn nhận quan sát sẽ là nhiều chiều mà không phải theo một chiều. Vấn đề sẽ phát sinh khi chúng ta chỉ quan sát theo một chiều.
53. Bản chất của tâm thức là luôn tìm cách khỏa lấp sự cô đơn.
54. Can thiệp vào hiện tượng đang xảy ra là đánh mất đi mối liên hệ trực tiếp với hiện tượng đó. Cần ghi nhận và phát hiện những gì đứng đằng sau sự can thiệp đó.
55. Khi đói hay giận dữ chúng ta không cần có ý tưởng về nó. Khi có ý tưởng, chúng ta sẽ mất đi sự liên hệ với thực tế xảy ra.
56. Sự không hài lòng với cái đang xảy ra không bao giờ cho chúng ta một đáp số.
57. Chúng ta luôn luôn bị định hình bởi hoàn cảnh môi trường xung quanh, bởi văn hóa giáo dục, bởi đồ ăn, bởi khí hậu, bởi sách báo ...
58. Khi chúng ta hiểu được toàn bộ tiến trình - cách tâm suy diễn, mong muốn, động cơ, khát vọng, việc theo đuổi, sự ganh tỵ, tham lam và sợ hãi thì tâm sẽ chuyển hóa vượt lên chính nó.
59. Tâm lúc nào cũng mong muốn có được câu trả lời tức thì cho mọi vấn đề. Nhưng sớm muộn những câu trả lời đó đều không thỏa mãn vì không có vấn đề nào  có được câu trả lời ngoại trừ bản thân nó. Nếu chúng ta có thể hiểu trọn vẹn vấn đề thì vấn đề đó không còn tồn tại nữa.
60. Xung đột xảy ra khi chúng ta muốn thay đổi thực tại sang cái "cần phải là" - đó là một ý tưởng không thực.
61. Tâm tự do thoát ra khỏi một cái gì đó thì không phải là tâm tự do, đó chỉ là sự phản ứng mà không phải là sự tự do. Tâm tự do là tâm thoát ra khỏi các ràng buộc.
62. Còn mong muốn có được giải đáp cho câu hỏi "làm thế nào", chúng ta sẽ xa rời và không quan sát được thực tại.
63. Vật chất hoặc tâm linh nếu chúng đều đáp ứng cho sự thỏa mãn thì cũng giống nhau.
64. Vấn đề quan trọng không phải là thói quen, mà do việc hiểu rõ thói quen sẽ đem lại sự hiểu biết. Do có sự hiểu biết  này, nó sẽ không tiếp thêm nhiên liệu cho sự ham muốn.
65. Gốc của vấn đề không phải là chúng ta dính mắc vào người hay vật mà do không thể chịu được sự cô đơn.
66. Nếu chưa đủ trí tuệ người ta đè nén phiền não bằng định.
67. Muốn mọi thứ diễn ra một cách thuận lợi đó là do tâm tham.

CÂU HỎI KIỂM TRA TRÍ PHÁN ĐOÁN
Chúng ta có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào, và một câu hỏi sẽ cho chúng ta nhiều đáp án khác nhau, việc này sẽ giúp cho quí vị có sự tò mò thích thú trong việc quan sát.
1. Khái niệm bị xen vào khi nào?
2. Thế nào là ghi nhận đối với chánh niệm?
3. Những động cơ đằng sau cơn sân là gì?
4. Thế nào là khởi sự đúng?
5. Lúc nào là thời gian và nơi chốn thích hợp để thực hành chánh niệm?
6. Nếu chánh niệm có mặt thì chúng ta chánh niệm đối với cái gì?
7. Kết quả của sự hiểu biết là gì?
8. Nếu một người suy nghĩ rằng: “tôi đang chánh niệm” thì người đó có chánh niệm không?
9. Việc đầu tiên cần phải biết khi ghi nhận, đó là gì?
10. Bản chất thực của khổ là gì?
11. Thiện nghiệp thù thắng nhất là gì?
12. Thực tế chúng ta thường dính mắc vào cái gì?
13. Thế giới của thực tại chân đế là gì?
14. Không có phiền não trong tâm có nghĩa là gì?
15. Có mấy cách để phiền nào ra đi?
16. Đâu là sự khác biệt giữa kinh nghiệm tốt và kinh nghiệm xấu?
17. Điều gì xảy ra khi quá tập trung quan sát?
18. Việc gì cần phải làm sau khi xả thiền?
19. Tại sao việc hành thiền có tiến bộ?
20. Thế nào là sự tinh tấn đúng?
21. Làm thế nào để nhận biết được đâu là cái đúng?
22. Đối tượng nghĩa là gì?
23. “Nếu muốn, nó sẽ xảy ra, nếu không muốn nó không xảy ra”, điều đó nghĩa là gì?
24. Đâu là nguyên nhân của khổ?
25. Đâu là nguyên nhân của hạnh phúc?
26. Thế nào là tránh hai thái cực: lợi dưỡng và khổ hạnh?
27. Thế nào là ngày hên, ngày xui?
28. Làm thế nào để phiền não bị suy yếu?
29. Khi nào có được tâm an tịnh?
30. Thế nào là có chánh kiến?
31. Quán sát nghĩa là gì?
32. Cái nghe và cái nhìn xảy ra ở đâu?
33. Định tâm đạt được khi nào?
34. Bản chất của Pháp có điều kiện – Pháp hữu vi là gì?
35. Hạnh phúc nhất là gì?
36. Phiền não nào cần được đoạn trừ trước?
37. Cái chúng ta thấy có thật không?
38. Làm thế nào để một người cắt bỏ được cơn sân?
39. Cách thức xử lý vọng tưởng phóng tâm?
40. Chúng ta cần vượt qua phiền não nào? Quá khứ? Hiện tại? vị lai?
41. Chúng ta có nên vui thích khi tiếp xúc với đối tượng không? Có gì sai trái khi ta cảm nhận vẻ đẹp của buổi hoàng hôn?
42. Khi nào vấn đề nảy sinh trong cuộc sống?
43. Nguyên nhân gì tạo nên sự xung đột nội tâm?
44. Tại sao tâm luôn có xu hướng hợp lý hóa các sự việc xảy ra?
45. Liệu có phải là chúng ta đang học cách buông bỏ tất cả?
46. Có phải tột cùng của khổ đau là hạnh phúc?"
47. Liệu chúng ta có thể thực hành sự khiêm tốn?
48. Đâu là sự khác biệt giữa hạnh phúc và sự thỏa mãn?
49. Điều gì xảy ra nếu luôn có suy nghĩ chân chánh?
50. Tâm trở nên không an tịnh khi nào?
51. Đâu là điểm mâu thuẫn khi nói rằng: “đưa tâm quay trở lại…”?
52. Liệu có đối tượng nào sinh khởi ngoài sáu căn hay không?
53. Khi nào sự hay biết trở nên khó khăn hơn?
54. Chúng ta mong muốn có được Pháp bảo hay muốn học hỏi từ sự thực hành?
55. Chúng ta hay biết cái gì ngay khi thức dậy?
Tỳ kheo Pannissara – Sư Thư

0 nhận xét:

Đăng nhận xét