Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

ĐỐI THOẠI PHÁP 2

ĐỐI THOẠI PHÁP

 Tỳ kheo Paññissara – Sư Chân Tuệ (Sư Thư)

TÀ KIẾN

Hỏi: Xin Sư giảng rõ hơn về Tà kiến ạ?

Đáp: Tà kiến (diṭṭhi) là thấy một cách sai lạc, diễn giải một cách không đúng đắn, thấy sai khác với thực tại.
Chẳng hạn khi nhìn, có một cái nhìn sanh khởi thì chúng ta cho rằng là có người nhìn, khi nghe một âm thanh thì chúng ta cho rằng đó là âm thanh của một cái gì đó (vd: tiếng xe, tiếng chim, tiếng người,…). Tiếng người, tiếng xe, tiếng chim,… là các khái niệm, chúng ta suy nghĩ về các khái niệm chứ các khái niệm này không thể nghe được. Thực tại xảy ra đối với cái nghe ở tai, đối với cái nhìn ở mắt nhưng tiến trình suy nghĩ đến khái niệm thì lại xảy ra ở ý môn. Tiến trình này xảy ra ở các satna, các khoảnh khắc khác nhau, nhưng chúng ta cũng lại không phát hiện ra được điều đó.
Đặc tính của Tà kiến là do chúng ta tác ý một cách sai lệch, hướng tâm một cách sai lệch. Chức năng của Tà kiến là làm cho các sự vật và hiện tượng bị sai lạc, xa rời bản chất thực 
Chánh kiến là một chi đạo nằm trong Chánh đạo. Tà kiến cũng là một chi đạo nhưng nó là một chi của Tà đạo. Chừng nào chúng ta còn nắm giữ một quan điểm, một ý tưởng cho rằng đây là con đường để dẫn tới một nơi an vui, hạnh phúc, một sự tự do, giải thoát thì nghĩa là Tà kiến đang dẫn ta đi sai chệch, đi về các mục tiêu sai lệch ra khỏi mục tiêu chân chánh.
Dưới thời Đức Phât, người ta cũng tin tưởng là có nhiều cách thực hành khác nhau để đạt tới sự thanh tịnh, giải thoát. Họ cho rằng là cứ phải khổ hạnh thì sẽ tẩy rửa được nghiệp, rồi người ta thực hành hạnh của con vật như là hạnh con chó hay là hạnh con bò. Ngày nay, chúng ta cũng có thể rơi vào tà kiến mà không biết: chẳng hạn, ăn uống đúng để giải thoát cũng là một dạng tà kiến.
Khi có kiến điên đảo (diṭṭhi-vipallāsa) thì chúng ta không biết đúng sai. Mặc dù đã biết Chánh đạo là như vậy nhưng chừng nào ta chưa thực sự thấy thì vẫn có thể rơi vào tà kiến.
Thông thường có thể chia tà kiến ra làm 3 loại khác nhau:
Natthika-diṭṭhi: Cho rằng không có kết quả của nghiệp, chủ trương rằng chết là hết.
Ahetuka-diṭṭhi: Cho rằng các hiện tượng là không có nhân, không có căn nguyên, chúng sinh có số phần và không có cái gì có thể thay đổi được.
Akiriya- dịtthi: Tà kiến không tin tưởng vào Nghiệp (Kamma), phủ nhận tất cả hành động thiện hay bất thiện, nghĩa là dù hành động thiện hay bất thiện thì đều giống nhau không để lại nghiệp quả gì hết.
Cũng có thể chia theo Thường kiến (Sassata-diṭṭhi)  hoặc Đoạn kiến (Uccheda-diṭṭhi)  hoặc là một phần Thường kiến, một phần Đoạn kiến.
Về văn tuệ, chúng ta có thể hiểu được khi nghe các thông tin nhưng chỉ khi thấy được rõ ràng sự sanh khởi và diệt tận của các pháp thì lúc đó chánh kiến mới được xác lập một cách chắc chắn.  Thấy được sự sanh khởi thì người ta sẽ không còn tin tưởng vào Đoạn kiến và thấy được diệt tận thì người ta cũng không còn tin tưởng vào Thường kiến. Nếu không thấy được nghiệp và các nhân duyên thì cũng sẽ không thấy được kết quả của nghiệp và ngược lại.
Chúng ta cũng có những tà kiến về Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành thức), cho rằng sắc là ngã, ngã là có sắc; rồi sắc có trong ngã, rồi ngã có trong sắc; sắc trong ngã thì sắc nhỏ hơn và ngã trong sắc thì ngã nhỏ hơn. Tương tự như vậy cho các danh uẩn còn lại.

Hỏi: Con biết rằng do có tà kiến nên ta nắm vào các khái niệm. Con muốn hỏi là bắt vào các khái niệm có phải là tà kiến không?
Đáp: Thường thường mọi người để ý cho sư một chút có những điều đúng chiều xuôi thì cũng đúng cho chiều ngược nhưng có những điều đúng theo chiều xuôi nhưng không đúng theo chiều ngược, có những điều đúng theo chiều ngược nhưng không đúng theo chiều xuôi. 
Như Đức Phật vẫn nói “La Hầu La lại đây”, “Xá Lợi Phật lại đây” thì Ngài bắt vào cái gì? Ngài vẫn bắt vào khái niệm. Ngài vẫn bắt vào khái niệm con người, chúng sinh, người này, người khác,.. nhưng không bao giờ Ngài có hiểu biết sai lầm đó là một con người thực sự, một chúng sinh thực sự. Trong Tứ vô lượng tâm liên quan đến các đối tượng là chúng sinh, nó là khái niệm. Từ, Bi, Hỉ, Xả thì đối tượng của nó là các khái niệm.
Trong tất cả các pháp bất thiện thì Tà kiến là cái tệ hại nhất. Từ Tà kiến nảy sinh ra các bất thiện pháp khác. Do vậy, việc thực hành là để xác lập sự hiểu biết rõ ràng hay nói cách khác là có được Chánh kiến.
Chánh kiến hay hiểu biết có mặt nghĩa là thấy được tam tướng: Vô thường, Khổ, Vô ngã. Chánh kiến có mặt còn giúp cho chúng ta hiểu được về nhân duyên của các pháp hữu vi.
Chánh kiến là đối lập với Tà kiến. Nhờ có chánh kiến, ta hiểu rõ được về Niết bàn, ở đây là sự diệt khổ. Khi chánh kiến có mặt, chúng ta sẽ thấy đúng với thực tánh pháp, với bản chất của các hiện tượng. Tà kiến cũng là thấy nhưng là thấy sai. Nhờ hiểu đúng chúng ta mới thực hành đúng.
Quan kiến mà sai thì có nghĩa là 7 yếu tố còn lại trong Bát Chánh Đạo cũng sai hết, trở thành Tà đạo. Chánh kiến sẽ quyết định cái sau có đúng hay là không. Có Chánh kiến thì những cái sau nó mới là Chánh, Tà kiến thì cái những cái đi sau nó là Tà. Tà ở đây tức là sai, không đúng với Chánh đạo

Hỏi: Thưa Sư, trong kinh hay nói tới việc Đức Phật thuyết kinh dành cho người biết, người thấy không phải là dành cho người không biết, không thấy. Xin Sư giải thích thêm ạ?
Đáp: Người biết là người có thể khơi dậy tác ý chân chánh hay là như lý tác ý. Tác ý chân chánh hay như lý tác ý là điều kiện, nhân duyên để Chánh kiến sanh khởi. Như lý tác ý có nghĩa là hướng tâm đúng đắn.
Cái kim đặt ngang trên tờ giấy thì không thể nào đâm toạc được tờ giấy. Cần phải dựng để cho kim vuông góc với tờ giấy đã, sau đó chỉ cần dùng một lực rất nhẹ thì nó cũng có thể đâm thủng tờ giấy. Cây kim để ngang thì cho dù ta có ấn mãi, ấn rất mạnh đi chăng nữa thì cũng không thể nào đâm thủng được. Phải định hướng cho đúng, đó là người biết. 
Người thấy là thấy theo cách không để cho tác ý không chân chánh khởi lên. Nguyên nhân để cho chánh kiến sanh khởi đó là có tác ý chân chánh, như ý tác ý.
Một yếu tố khác nữa là: tiếng nói của người khác. Chúng ta phải thân cận với những bậc trí để có được những thông tin đúng. Không có Đức Phật thì không có được những thông tin đúng, nhất là trong Pháp hành Vipassana, chỉ có Đức Phật thuyết giảng mà thôi.
Những thông tin đúng đắn sẽ giúp chúng ta hiểu đúng, từ đó thực hành đúng. Chính vì vậy chúng ta nên nghe pháp nhiều. Chúng ta nghe pháp nhiều đến khi có cảm giác như đã nằm lòng rồi, tức là lời nói, suy nghĩ và hành động đã hợp nhất rồi, lúc ấy thì yên tâm hơn. Ngược lại, nếu còn hồ nghi, phân vân không chắc chắn, tức là chúng ta đã nghe, đã áp dụng nhưng chưa triệt để. Cần hiểu một cách rõ ràng thấu đáo sẽ dễ dàng hơn trong việc áp dụng.

Hỏi: Thưa Sư, con có nên cố gắng để có chánh niệm suốt cả ngày không?
Đáp: Khi có chánh niệm thì chúng ta ghi nhận và biết mình có chánh niệm; khi thất niệm, ta cũng biết rõ rằng là mình thất niệm. Từ đó, chúng ta thấy được sự khác biệt giữa những khoảnh khắc chánh niệm và thất niệm; đó mới là điểm mấu chốt, chứ không phải là việc cố gắng là có chánh niệm suốt.
Việc phát hiện ra được các khoảnh khắc, các satna mà thất niệm rất có giá trị. Chúng ta không thể cầu toàn được và nên hiểu rằng các pháp sinh khởi có cả tốt xấu, có cả trắng cả đen, có cả thiện và bất thiện. Vấn đề là chúng ta có biết khi nó có mặt hay không? Khi nó có mặt ta biết nó có mặt, khi nó không còn nữa thì ta biết là nó không còn nữa; đó là mới điều quan trọng chứ không phải ta bắt buộc phải luôn có chánh niệm, luôn có pháp thiện.

 Ý TƯỞNG VÀ SUY NGHĨ

Hỏi: Có khi nào chúng ta hành động mà không có suy nghĩ không thưa Sư?

Đáp:  Chúng ta cần có suy nghĩ trước khi hành động. Trước khi làm một cái gì đó thì phải có ý tưởng, ý tưởng dẫn đến suy nghĩ và do có suy nghĩ dẫn đến hành động.
Suy nghĩ rất ít khi vắng mặt; kể cả khi vào những mức định sâu vẫn có thể có suy nghĩ tại một vài sát na hay khoảnh khắc nào đó. Nhưng người ta nói rằng không nên để ý đến các suy nghĩ vụn vặt đó chứ không phải là không có suy nghĩ, hoàn toàn vắng bặt các suy nghĩ.

Hỏi: Vậy ý tưởng và hành động liên quan đến nhau như thế nào thưa Sư?
Đáp: Các ý tưởng ngay từ đầu có thể đúng hay sai do các thông tin, kinh nghiệm mà mình đã thâu thập. Ví dụ khi chúng ta gặp một người, nhìn và thấy người đó là một người mới, người này mới hoàn toàn hay là mới so với các ý tưởng từ trước? Rất nhiều ý tưởng về người đó, những thông tin về người đó, những dữ liệu về người đó mình biết rồi, đã được định hình sẵn rồi. Các ý tưởng này tác động lên suy nghĩ của ta rồi trên có sở đó chúng ta đưa ra các hành động, lời nói cụ thể. Như vậy các ý tưởng đó là những ý tưởng thuộc về quá khứ.
Nếu không để ý thì chúng ta vẫn nhìn con người này với ý tưởng đó là con người tôi đã gặp ngày hôm qua. Tuy nhiên, nếu chúng ta thấy người này là một người mới hoàn toàn thì đó lại là một ý tưởng khác. Ý tưởng thì vẫn là ý tưởng, ý tưởng về một người, một vật hay là ý tưởng về không có con người, hay không có sự vật vẫn là ý tưởng.
Như vậy, chúng vẫn hành động dựa trên ý tưởng, suy nghĩ cũng trên ý tưởng.  Nếu để cho hành động đúng thì ý tưởng phải đúng. Và nếu ý tưởng sai thì hành động không thể đúng được. Như vậy thay đổi ý tưởng thì dẫn đến thay đổi suy nghĩ, mà suy nghĩ của chúng ta có cảm xúc ở đó. Ý tưởng thay đổi tác động đến suy nghĩ cũng có nghĩa là nó tác động đến cảm xúc bởi có suy nghĩ là có cảm xúc. Do đó thông qua cảm xúc ta cũng biết được là ý tưởng và những suy nghĩ đó như thế nào, đó là các mắt xích tác động qua lại lẫn nhau. 

Hỏi: Ngay cả trong trường hợp khẩn cấp con vẫn thấy cần các dữ liệu thu lượm được từ trước, luồng thông tin để đem đến những suy nghĩ đó rất nhanh, không nắm bắt được những nó vẫn có. Ví dụ để cứu 1 người chết đuối ạ thì chắc chắn người đó biết là họ biết bơi
Đáp: Khi mọi chuyện xảy ra rất nhanh, suy nghĩ vẫn có nhưng nó chỉ ở trên những gì tiếp nhận ở hiện tại thôi. Lúc đó gần như ta làm việc theo bản năng, xử lý với ý tưởng ngay tại hiện tại, không thể gợi lại các ý niệm cũ được nữa
Còn nếu lấy các thông tin và dữ liệu trước đây để xử lý trong hiện tại là chúng ta luôn có những định hình trước rồi. 

Hỏi: Nếu ta lấy quá khứ gắn vào hiện tại thì nghĩa là ta đang nhìn vấn đề với  cặp kính màu rồi.
Đáp: Khi đó không còn đúng nữa rồi, sự thật đã bị pha màu rồi. Khi mà chúng ta phát hiện ra đang có những cảm xúc chi phối ta là khi đó đã pha màu rồi đó. Có nghĩa là cần kiểm tra lại thái độ sau đó là cái gì.
Khi quan sát đi quan sát lại cơ chế này rất nhiều lần thì chúng ta sẽ hiểu thật sự thấu đáo vấn đề này, mà có hiểu biết (hay tạm gọi là trí tuệ hoặc bất kỳ ngôn từ nào cũng được) thì có thể phân tách được đâu là đúng đâu là sai, đâu là phải đâu là trái, đâu là chánh đâu là tà, thì tự động những gì không chân chánh sẽ được buông bỏ.

Hỏi: Vậy thì muốn nhận ra để có một ý tưởng đúng thì cần phải có chánh niệm, trí tuệ phải không ạ?
Đáp: Ý Sư nói là phải thực hành theo từng bước, không thể cầu toàn ngay được, phải phát hiện ra được cơ chế như thế này trước đã. Nếu không phát hiện ra được thì ta vẫn còn đang trong đống bùng nhùng này và nó vẫn còn chi phối ta. Không phát hiện ra các cơ chế làm việc của tâm thì làm sao có sự hiểu biết?
Đầu tiên cần phải có chánh niệm để quan sát, sau đó bắt đầu có sự hiểu biết, rồi dần dần sẽ nhận rõ ra được cơ chế vận hành, biết đâu là cái đúng, đâu là cái sai. Mới đầu thì chúng ta cần phải có thông tin trước nhưng phải qua những phân tích như thế này mới bóc tách, mới thấy rõ ra được. Khi thấy rõ rồi những cái gì sai sẽ tự động được buông bỏ.

Hỏi: Xin Sư cho ví dụ về mối liên hệ giữa ý tưởng và hành động ạ?
Đáp: Ví dụ nếu ai đó đặt lòng tin lên quá cao thì một lần làm họ mất lòng tin sẽ rất khó để họ tin tưởng lần sau, như người ta vẫn bảo “một lần thất tín là vạn lần bất tín”. Sự việc có thể không xảy ra như vậy, nhưng chúng trở nên lặp lại là do có ý tưởng như vậy.

Hỏi: Như vậy các ý tưởng là do đâu mà tạo thành?
Đáp: Do rất nhiều yếu tố như: môi trường chúng ta sống, chỗ chúng ta học tập từ bé, văn hóa gia đình…vv. Bây giờ chúng ta tiếp nhận những thông tin về Pháp thì là những thông tin mới, những thông tin đúng, dần dần tạo nên những ý tưởng mới tạm gọi là ý tưởng, thái độ đúng. Trên cơ sở đó thì mình bắt đầu quan sát học hỏi thêm.


QUAN SÁT, GHI NHẬN SUY NGHĨ

Hỏi: Con ngồi thiền thấy rất nhiều suy nghĩ, xin Sư cho con thêm những thông tin đúng về vấn đề này ạ?
Đáp: Cái gì cũng vậy, khi nói một cái gì đó sanh khởi tức là nó có mức năng lượng nào đó. Một viên đạn được phóng ra thì theo chu kỳ, phóng ra hết năng lượng nó sẽ tự rớt. Suy nghĩ cũng vậy, khi nó sanh khởi nó có một năng lượng để phóng ra. Có những cái rớt ngay, cũng có những cái phóng xa hơn do có năng lượng mạnh hơn, nó bay xa hơn rồi mới rớt.
Nếu chúng ta không can thiệp thì tự suy nghĩ sẽ rớt, còn nếu can thiệp thì suy nghĩ sẽ như máy bay đang bay được tiếp thêm dầu, cứ bay hoài, bay mãi. Suy nghĩ khi đó được tiếp thêm năng lượng sẽ cứ lan man đi mãi. Nếu chúng ta (tạm gọi là) quan sát khách quan, không can dự thì sẽ thấy bất kỳ một cái gì phóng ra đều có một mức năng lượng rồi nó tự hết. Ta sẽ thấy nó tới và nó đi vì chỉ có một mức năng lượng như vậy thôi. Nếu ta không can dự vào thì nó sẽ không được nạp thêm năng lượng và tự rớt khi hết năng lượng.
Nhiệm vụ của chúng ta là quan sát. Quan sát ở đây cũng cần có mức năng lượng và cần phải duy trì liên tục, vì nếu không được duy trì thì mức năng lượng này cũng cạn dần rồi hết. Nếu duy trì được mức năng lượng thì sự quan sát sẽ ngày càng sắc bén hơn; nếu không thì nó cũng lúc trồi, lúc sụt theo mức năng lượng của nó.
Như vậy suy nghĩ có một mức năng lượng và sự quan sát cũng có một mức năng lượng. Nếu quan sát đúng đắn thì năng lượng cho sự quan sát luôn luôn được bồi đắp và sẽ trở nên sắc bén hơn, tốt hơn. Nếu không can dự vào tiến trình suy nghĩ thì các suy nghĩ sẽ tự đến rồi đi.

Hỏi: Thưa Sư có nên quan sát mức năng lượng chánh niệm này không ạ?
Đáp: Thực ra phẩm chất của chánh niệm cũng chính là năng lượng. Mọi người có biết được chánh niệm đang tốt hay không tốt không? Chúng ta có biết được việc đó không? Chánh niệm lúc trồi lúc sụt chúng ta có biết không? Tại sao nó trồi, tại sao nó sụt, và làm sao để nó trồi liên tục? Đó là do ta đang tiếp năng lượng cho chánh niệm. Năng lượng cho sát na kế tiếp được bồi đắp, thừa hưởng từ những sát na trước.
Năng lượng chánh niệm cần được duy trì từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Vậy suy nghĩ của chúng ta có như vậy không? Nếu quan sát và thấy chánh niệm như thế thì suy nghĩ thế nào? Khúc đầu nhẹ nhàng, khúc sau tăng mạnh hay khúc đầu tăng mạnh, khúc sau nhẹ nhàng? Nếu như khúc đầu mạnh, khúc sau nhẹ thì nguyên nhân tại sao? Đâu là yếu tố quyết định?
Khi quan sát chúng ta có thể thấy nếu tâm thay đổi đối tượng thì suy nghĩ sẽ rớt ngay tức khắc, đó là một cách cắt năng lượng của suy nghĩ. Tuy nhiên, còn một cách khác là vẫn tiếp tục quan sát và không can dự vào suy nghĩ, không tiếp thêm năng lượng cho suy nghĩ; suy nghĩ sẽ tự rớt khi hết năng lượng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét