Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

ĐỐI THOẠI PHÁP 3

ĐỐI THOẠI PHÁP

 Tỳ kheo Paññissara – Sư Chân Tuệ (Sư Thư)

ĐỐI TƯỢNG ĐÚNG TRONG QUAN SÁT

Hỏi: Thưa Sư như thế nào là đối tượng đúng như thế nào là đối tượng sai trong thiền Vipassana?

Đáp:  Bây giờ ví dụ như mình đang sờ vào đây, mọi người thấy có phải mình đang sờ vào cái tay hay không? Nếu nói là bây giờ Sư dùng cái tay phải nắm vào tay trái thì ghi nhận cái gì? Ghi nhận cái tay phải nắm vào cái tay trái hay sao? Không, cái tay là khái niệm, còn cái mà Sư ghi nhận ở đây là cái cứng, cái mềm chứ không phải là cái tay, cái tay cứng hay cái tay mềm.
Cái tay nó là khái niệm thôi, bây giờ chúng ta để ý đến cái tay nên có rất nhiều vấn đề xảy ra. Nhiều người ngồi thiền lâu, tâm an và thấy như mất cái tay thì cho là có vấn đề, rồi bắt đầu lo lắng, suy nghĩ. Kỳ thực lúc đó thuần túy chỉ là các rung động và cảm giác.
Ví dụ: Khi đang lái xe có một người băng qua đường thì người hành thiền hay không hành thiền vẫn có thể biết được. Vậy cái biết của người hành thiền Vipassana khác cái biết của người bình thường như thế nào?
Lúc đó nếu chỉ nhìn thấy xe, thấy người mà không biết tới cái nhìn, cái nghe, sự xúc chạm..vv thì có nghĩa tâm đã bắt vào khái niệm rồi, không còn bắt đối tượng đúng nữa. Khi quan sát trên đối tượng đúng thì phiền não sẽ không có mặt, vì phiền não chỉ có chỗ bám khi chúng ta bắt vào đối tượng không đúng trong quan sát. Đối tượng là các khái niệm nên phiền não mới xen vào. Không có các khái niệm, không có các ý tưởng thì phiền não không có chỗ xen vào.

Hỏi: Đôi khi ngồi thiền, con thấy những cảm giác rất lạ và thấy sợ hãi thưa Sư?
Đáp: Khi hay biết các khái niệm quen thuộc, trong chiều quan sát thông thường thì ta sẽ cảm thấy an toàn. Bây giờ chuyển sang một chiều quan sát khác tạm gọi là các đối tượng thực tại, đối tượng chân đế thì ta không còn ở miền an toàn thông thường này rồi.
Khi vẫn còn bám vào các đối tượng thông thường như chân, tay,.. chưa quen với việc khi hành thiền không còn chân tay, toàn thân chỉ còn lại các rung động và cảm giác thôi, chúng ta sẽ không hiểu điều gì xảy ra cả. Vậy là lại phải trở lại với khái niệm ban đầu, lại phải thấy chân tay để có được trạng thái an ổn.
Vì sao có tình trạng đó? Vì chúng ta không biết đến đối tượng đúng, ta nắm vào các đối tượng khái niệm và dựa trên đối tượng đó, bắt đầu diễn giải, đặt cho nó có một ý nghĩa mới theo những thông tin mà mình biết. 
Như vậy đối tượng đúng trong thực hành quan sát chánh niệm là rất quan trọng. Nếu chúng ta không quan sát với đối tượng đúng thì dù cho định, niệm của chúng ta có mạnh thì cũng không đúng.
Chúng ta phải xác định ngay từ ban đầu về việc quan sát đúng đối tượng. Pháp đúng là pháp đang sanh khởi nếu chúng ta bắt trượt đi là chúng ta quan sát khái niệm hoặc là những cái không có thực. Thế thì cái nào thật sự có? Cần phải bóc tách ra được vấn đề, nếu không rất khó thực hành.  

Hỏi: Thưa Sư nếu trong cuộc sống hàng ngày mình xác định được 50/50 biết được cả đối tượng đúng và sai. Ví dụ như con nhìn và vẫn biết kia là hoa lá và đồng thời vẫn biết cái nhìn. Vì mình có 50 % phân tán vào hoa thì phiền não xen vào, khi phiền não xen vào và biết tiến trình làm việc của phiền não rồi thì có nên quay lại để đẩy lên mức 100% ghi nhận đối tượng đúng là cái nhìn không ạ ?
Đáp: Khi đã biết cả cái nhìn và đối tượng nhìn rồi, nếu có phiền não xen vào chúng ta cũng biết, và nếu ghi nhận được phiền não, chỉ đơn thuần quan sát không can dự gì thêm thì nó sẽ tự động rớt. Phiền não sẽ không thể tồn tại khi sự ghi nhận cùng với hiểu biết có mặt.

Hỏi: Trong trường hợp chánh niệm và trí tuệ không tốt trong khi những phiền não xen vào lại mạnh thì phải làm sao ạ?
Đáp: Cho nên ta phải quan sát đi quan sát lại nhiều lần. Phiền não mạnh thì tạm thời lúc tiến, lúc lui, chứ không phải lúc nào cũng duy trì như vậy được. Kể cả khi sự hiểu biết có mặt thì cũng chỉ là khoảnh khắc đó mà thôi, không có nghĩa là chúng ta có được hiểu biết suốt cả ngày.
Nếu chánh niệm vững thì tâm sẽ duy trì trên đối tượng đúng. Nếu chánh niệm chưa được tốt thì ngay lập tức những yếu tố khác lại xen vào. Lúc đó lại lặp lại quá trình quan sát, đun nóng nó lên.  

Hỏi: Vậy đối tượng đúng là những gì thuộc về chân đế, những gì thuộc về khái niệm là đối tượng sai phải không?
Đáp: Người hành thiền trong Thiền Minh Sát không để ý đến khái niệm, nhưng Thiền Chỉ thì cần đến khái niệm. Khi có khái niệm đến thì đơn thuần nhận biết đó là khái niệm thôi, như vậy chúng ta có thể phân tách giữa hai thứ: khái niệm và chân đế. Chúng ta cũng không thể từ chối khái niệm được vì đó là hoạt động của Tưởng.

Hỏi: Thưa Sư, người nào hành thiền lâu rồi thì mới biết được đối tượng đúng, còn những người mới thực hành thì khó để thấy được đúng không ạ?
Đáp: Vấn đề không nằm ở chỗ đó. Vấn đề ở chỗ ngay từ đầu chúng ta bóc tách ra được đối tượng đúng hay không? Chúng ta nghiên cứu một cái gì đó thì cũng phải có đối tượng. Chẳng hạn bây giờ chúng ta có rất nhiêu công cụ để nghiên cứu, nhưng nếu xác định đối tượng sai thì tất cả vốn đầu tư, mua sắm thiết bị….thành xôi hỏng bỏng không. Giả sử một người cần phẫu thuật. Phòng thí nghiệm, dụng cụ tiên tiến, bác sỹ có, nhưng bệnh nhân cần cắt lá gan bên trái, chúng ta xác định nhầm lại đi cắt lá gan bên phải thì có phải công cốc không? Do vậy, ngay từ bước ban đầu cần phải xác định đối tượng cho rõ.
Chánh niệm được đây cần được hiểu là với đối tượng đúng, còn nếu đối tượng của sự quan sát không đúng thì không gọi thể gọi là chánh niệm. Chẳng hạn, thiền sinh vẫn nói là mình đang ghi nhận, quan sát suy nghĩ, nhưng lúc đó biết nội dung suy nghĩ, theo dòng suy nghĩ thì đâu phải chánh niệm. Đối tượng lúc đó không đúng. Chánh niệm phải là chánh niệm của chi đạo – sammasati. Còn nếu chỉ là “niệm” đơn thuần với chức năng là nhớ - hay biết đối tượng thì không đạt yêu cầu.

Hỏi: Khi có cái đau trên thân, thì quan sát cái gì là đối tượng đúng thưa Sư?
Đáp: Chẳng hạn bây giờ Sư đau bụng. Cảm giác đau bụng làm sao? Nếu Sư quan sát trên thân thì sẽ chỉ thấy độ xiết của nó.
Mọi người thấy đó, cảm giác ở trong tâm. Còn do có thân thì mới tạo ra một cảm giác gọi là Thân thọ - body sensations. Có hai loại là Thân thọ và Tâm thọ. Nó khác nhau như thế nào? Chẳng hạn bây giờ một người bị mất điện thoại, họ cảm thấy buồn thì là Tâm thọ, đúng không? Còn khi nói đến Thân thọ thì cần phải có một sự tác động nào đó ở trên thân, do thân này nên mới sanh khởi một cái thọ, nhưng cái thọ đó được ghi nhận ở trong Tâm
Giả sử chúng ta bị đâm vào tay, khi có đó ta thấy cái đau trên Thân nhưng kỳ thực chỉ có sự mất quân bình của các yếu tố tứ đại. Bây giờ thì ai cũng nói là Đất, Nước, Lửa, Gió, vậy Đất, Nước, Lửa, Gió có phải đối tượng hay không?
Bất kể một pháp nào (Danh hay Sắc) đều luôn có các đặc tính – được gọi là sabhāva. Khi hiện tượng nào đó sanh khởi, nó thể hiện đặc tính. Khi ta ngồi thiền, các khái niệm mờ đi. Có 2 đối tượng là chân đế và khái niệm (tục đế) nếu chúng ta hướng tâm đến chân đế thì tục đế mờ dần đi một cách tự động.  Khi ta tiến tới những đặc tính thật thì khái niệm tự động mờ đi.

Hỏi: Thưa Sư, trong trường hợp làm các việc phước thiện, con thấy tâm hoan hỷ đến rất nhanh và rất mờ, ngay sau đó tâm bất thiện xuất hiện. Nếu như mình đã quan sát được tâm bất thiện rồi thì có cách nào để hỗ trợ cho các tâm thiện không ạ?
Đáp:  Chánh niệm là người lính gác. Tất nhiên trong đó đã có thái độ đúng rồi. Khi chánh niệm – người lính gác sơ suất đi một chút – thì rất tự động bất thiện xen vào. Mà khi bất thiện xen vào thì chắc chắn lúc đó không có chánh niệm.

SỰ CHẤP THỦ
Sự chấp thủ (nắm chặt) tiếng Pali là upadana. Có 4 sự chấp thủ tiêu biểu: dục thủ, kiến thủ, ngã thủ, giới cấm thủ. Chấp thủ nghĩa là nắm chặt ,dính mắc, nắm giữ không buông.
Dục thủ,  chấp chặt vào các sự thỏa mãn thông qua các giác quan (căn) khi tiếp xúc với đối tượng, thông qua cái nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ. Kiến thủ: Chấp chặt vào quan điểm, tư kiến của mình, cho ta là đúng, ta không bao giờ sai, chúng ta luôn nắm chặt, không buông. Ngã thủ cũng vậy, Chấp chặt vào giới cấm thủ tức là việc thực hành sai lạc ví dụ như tu hành xác mình, cho rằng làm như vậy có thể tẩy rửa nghiệp, làm thanh tịnh bản thể.
 Tại sao ngũ uẩn sanh khởi và hoại diệt trong từng giây, từng phút, trong từng sát na. Bản chất của nó là như vậy. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức không phải là vấn đề. Ngũ uẩn đó là tập hợp các sắc, tập hợp các tưởng, tập hợp các thức …. năm tập hợp này sanh diệt trong từng sát na…nhưng do không biết những vấn đề đó nên ta chấp chặt vào chúng, chúng trở thành các thủ uẩn. Từ ngũ uẩn thành ngũ thủ uẩn. Chúng ta bị trói buộc do sự chấp chặt của mình, sự chấp chặt này là do vô minh, tà kiến mà có mặt.
  Chúng ta nghe nói tới sự hiểu biết sai lầm hay là tà kiến. Vậy nguyên nhân nào mà tà kiến hay sự hiểu biết sai lầm này sinh khởi?. Điều đầu tiên là không được nghe chánh pháp. Người ta có thể biết rất nhiều nhưng cái người ta biết không đúng. Cách người ta tiếp cận thông tin đúng, thông tin đúng này phải từ kim khẩu ngôn Đức Phật hoặc người chuyển tải phải là đệ tử Đức Phật. Điều này rất quan trọng. Chính vì vậy mọi người có điều kiện , những nhóm học Phật nên rút tỉa từ bản kinh hoặc trong chánh tạng để giúp chúng ta sự hiểu biết đúng đắn.
Tại sao sự hiểu biết sai lầm sanh khởi? Do không có tác ý chân chánh (như lý tác ý). Chúng ta không hướng tâm được vào bản chất gốc của sự vật hiện tượng. Nên chúng ta học và hành cần truy xuất được về gốc rất quan trọng. 
Khi chúng ta biết những điều cần biết một cách rạch ròi ta biết đâu là phải,  đâu là trái. Nhiều khi các câu hỏi luôn xuất hiện. Nếu như ta có nghiên cứu về tiến trình tâm, hoặc kết hợp giữa tâm và tâm sở, nó hoàn toàn nằm trong pháp học. Không nắm pháp học vững làm ta nghi ngờ. Dĩ nhiên phải áp dụng học và hành.  Không phải học về tâm là biết tâm. Biết và thấy. Biết đã rồi áp dụng. Biết rồi sẽ thấy thông qua việc thực hành của mình.
Biết tâm và những quy luật của tâm. Cũng giống như ta có một bản đồ biết rõ đường từ đây về thành phố. Có bản đồ chỉ đường ta đi đúng hướng. Như vậy ta cần bản đồ. Không có bản đồ ta sẽ mò mẫm, may ra thì đúng. Ta phải có tác ý chân chánh hay là như lý tác ý. Nếu không như lý tác ý thì tưởng của ta sẽ là tưởng điên đảo, kiến điên đảo, tâm điên đảo. Thấy cái sai thành cái đúng. Ta thấy vô thường cho là thường, vô ngã cho là ngã, tịnh cho là bất tịnh, như thế là điên đảo. Ở ngoài đồng ruộng bà con nông dân thường treo bù nhìn rơm để đuổi chim ăn lúa. Họ cũng mặc áo, đội nón cho bù nhìn rơm y như người thật. Nhưng đó không phải là người thật, khiến lũ chim tưởng nhầm là người thật. Do tưởng điên đảo thấy cái sai thành cái đúng. Nhưng ở đây cần hiểu đúng giá trị của tưởng, có những trạng thái tưởng đúng. Bên cạnh phải nghe được diệu pháp, có thông tin đúng đắn thì như lý tác ý rất quan trọng. Đó là nhân giúp cho chánh kiến sanh khởi.


SỰ BUÔNG BỎ

Hỏi: Thưa sư, con đã cố gắng để buông bỏ nhưng dường như không thể?
Đáp: Đặc tính thông thường của con người chúng ta là bám víu và dính mắc. Khi chưa có khả năng đó mà đã tạo ra sự buông bỏ thì có nghĩa là nó sẽ tạo ra đối tượng khác để bám vào.
Nhiều khi chúng ta nhìn nhận mọi việc chỉ trên bề mặt, do thói quen hoặc hùa theo đám đông mà không có sự hiểu biết. Trong tất cả những hoạt động ta nên học hỏi để hiểu biết một cách rõ ràng, dần dần sẽ tạo thành thói quen, khi có hiểu biết thực sự rồi thì sự buông bỏ sẽ có mặt tương ứng với trạng thái tâm thức của mỗi người.
Việc buông bỏ là một hệ quả nằm trong cả một tiến trình. Hành giả phải quán sát được sự sinh khởi của đối tượng và các nguyên nhân của nó. Quán được sự hoại diệt: trước có, giờ không còn hoặc trước không có, giờ có; rồi quán được cả sự sinh diệt. Quán được tất cả các quá trình đó, người ta mới tiến tới sống không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Nếu tự nhiên nói là không nương tựa, không chấp trước thì rất khó.

Hỏi: Thưa sư, có phải cứ sống một cuộc sống đơn giản, xuất gia không gia đình là đã buông bỏ được hết rồi đúng không ạ?
 Đáp: Một người có thể sống rất đơn giản nhưng không hề buông bỏ, thay vào đó lại chấp chặt vào sự đơn giản.
Nếu có vị sư nói rằng “Tôi ăn phải thật đơn giản, ngày ăn một bữa thôi; đừng cúng dường cho tôi đồ ăn sang, tôi không nhận đâu” thì ở đó không có sự buông bỏ thực sự. Nhưng nếu ai cúng dường gì vị sư đó ăn nấy, có sao mặc vậy, cúng y gấm thì mặc y gấm, cúng y rách thì mặc y rách, vậy thì người đó là người dễ nuôi - có các phẩm chất buông bỏ.
Sự đơn giản ở đây không phải đơn giản ở hình thức bên ngoài mà đơn giản trong tâm. Khi người ta nói “bình thường tâm thị đạo” thì đây chính là tâm đạo, một tâm thức dung dị, đơn giản chứ không phải sống một cuộc đời đơn giản thì tâm thị đạo.

Hỏi: Vậy Thưa Sư, Đức Phật dạy cần xả bỏ điều gì?
Đáp: Có lần Đức Phật nói với một người đã từ bỏ hết cúa cải như sau: “Ông đã xả bỏ nhưng không phải là xả bỏ của bậc Thánh. Tôi sẽ nói cho ông thế nào là xả ly theo Pháp. Xả bỏ cái cần xả bỏ, xả ly cái cần xả ly. Đoạn diệt sự sát sinh, trộm cắp, tà dâm, tham, sân, tà kiến…Cái này mới gọi là xả ly. Ông xả ly bên ngoài không phải là xả ly. Ông xả ly tài sản nhưng tâm còn đầy rẫy phiền não. Cái xả ly ở trong tâm chứ không phải bên ngoài”.
Một ông vua có thể sống đầy đủ nhưng lại rất đơn giản. Một anh nông dân, sống ở túp lều tranh nhưng lại có nhiều dính mắc, nhiều ước muốn, tham vọng. Nó khác nhau ở chỗ nào? Thường thì chúng ta dễ bị hiểu lầm ở hình thức. Nó rất dễ đánh lừa tất cả chúng ta.

Hỏi: Thưa sư, con rất muốn trở nên rộng lượng, điều mong muốn đó có hợp lý không thưa Sư?
Đáp: Tại sao chúng ta lại muốn điều đó? Động cơ ở đây là gì? Chúng ta muốn có tâm thiện hay muốn tuân theo Quy luật cho và nhận? Để người ta tốt với mình thì mình phải tốt trước đi: “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. 

Hỏi: Thưa sư, nếu con buông bỏ tài sản, vật chất thì dường như con dễ nắm bắt được những gì cao cấp hơn thuộc về thế giới tâm linh ạ?
Đáp: Người ta có thể rời bỏ các yếu tố thuộc về thế gian, nhưng lại nắm chặt vào các yếu tố thuộc về tâm linh, cuối cùng vẫn là quá trình “chộp”, “nắm”, chỉ là thay đổi đối tượng khác mà thôi.
Chẳng hạn như người ta có thể rời bỏ nhà cửa, vợ con, tài sản, nhưng lại nắm vào chùa chiền, các hoạt động phật sự,… Nắm giữ vẫn hoàn nắm giữ, vì tâm chưa muốn buông.
Nếu nói là buông cái thấp, nắm cái cao…thì tâm sẽ tạo ra các suy nghĩ “đây là vấn đề tâm linh, lợi ích cho nhiều người, rất là cao thượng” ... đúng không? Tâm sẽ phân tách “đây là vấn đề cấp thấp, còn đây là điều cao thượng”, động cơ đằng sau tâm thức này sẽ là sự cố gắng tạo ra đối tượng để nắm bắt vào. Đến khi nhân duyên đã đầy đủ đạt được năng lực buông bỏ, thì việc buông bỏ sẽ xảy ra tự động, và tâm sẽ buông hết, không còn nắm vào điều gì cả. Khi đó việc “buông bỏ” là hệ quả trong cả tiến trình.
Tâm có thói quen bào chữa, bao biện, che đậy,…nếu chánh niệm không đủ, trí tuệ không đủ sẽ tạo ra biến thái, nó hoàn toàn có thể đi sang vấn đề khác còn tệ hại hơn.

Hỏi: Có phải khi nào có thói quen ở đó là có sự dính mắc không ạ?
Đáp: Thói quen là những gì được huân tập, được lặp đi lặp lại. Có những thói quen xấu, có những thói quen tốt. Thói quen chánh niệm, tỉnh giác là một thói quen tốt.
Chúng ta có thể nhận ra nhiều thói quen có dính mắc như là quen với việc uống một ly cà phê buổi sáng, phụ thuộc vào một trái ớt khi ăn hủ tiếu, hay ăn gạo lứt phải có muối mè,…và nhiều ví dụ khác nữa. Sư cũng đã từng thử ăn cháo trắng 100% buổi sáng, không có chút gia vị hay muối nào, chúng ta luôn có ý tưởng là phải cho một ít gia vị để cháo có vị mặn hay ngọt thì mới ăn được. Có sự dính mắc đối với việc “cái đó là phải thế này”. Chúng ta luôn dính mắc với chữ “phải” đó.
Nói một cách khác, chúng ta đang tạo ra sự lệ thuộc của mình: lệ thuộc vào cách ăn, lệ thuộc vào cách mặc, lệ thuộc vào rất nhiều điều.

Hỏi: Thưa sư, có phải Đức Phật yêu cầu tất cả các tu sĩ ngày chỉ được ăn một bữa và sống trong rừng không ạ?
Đáp: Trong bài kinh Pháp hành trì và không nên hành trì, Đức Phật nói có những điều nên hành trì và không nên hành trì. Những pháp nào làm tăng trưởng phiền não thì không nên hành trì. Với mỗi người phù hợp với các pháp khác nhau, nên Đức Phật không nói rằng “phải làm pháp này”, “phải ở dưới gốc cây”, “phải ăn ngày một bữa”, “phải ăn chay”…
Ví dụ, cố gắng thực hiện tu hạnh đầu đà ăn một bữa mà khi chúng ta ăn một bữa thì khổ sở quá và luôn nhớ đến việc ăn thì kỳ thực làm các phiền não sinh khởi. Nếu tạm thời gác việc ăn ngày một bữa và chuyển sang ăn hai bữa thì phiền não không còn nữa, chúng ta sẽ chọn cái nào? Ăn hai bữa hay ăn một bữa? Ăn hai bữa không có phiền não còn hơn là ăn một bữa mà có phiền não.
Tuy nhiên, những cái đó không phải là tiêu chí cho tất cả mọi người mà tùy thuộc vào từng cá nhân. Cần luôn ghi nhớ mục đích của người tu là để ngày càng giảm thiểu các phiền não, không quá chú trọng các hình thức bên ngoài nếu chúng không đem lại cho việc đạt được mục đích của mình.

CHẤP NGÃ

Hỏi: Con thấy đằng sau rất nhiều những suy nghĩ và hành động cúa mình đều có cái "tôi ta" dính mắc. Con xin sư chỉ dạy thêm.  
  
Đáp: Vậy theo cô thì có tôi ta không? Tôi ta thì không có nhưng có cái gì? Pháp thực sự hiện hữu là cái hiểu sai rằng có tôi, ta. Tôi ta thì không có nhưng có cái hiểu sai. Cái hiểu sai này nằm trong tâm thức của người đó. Nếu không để ý đến thì sẽ không phát hiện ra hiểu biết sai lầm này. Cái hiểu sai rằng có tôi ta thì có tồn tại, có sanh khởi, còn tôi ta thì không có.
Ngã là một danh từ. Cái gì được gọi là bản Ngã, cái gì được gọi là Tôi? Thông qua tất cả những phần như là: thái độ, quan kiến, đánh giá…Tất cả những cái đó gom lại là Tôi, Tôi là những cái đó.  

Hỏi: Làm sao để có hiểu biết đúng về cái Ngã (Tôi, Ta) này thưa Sư?
Đáp: Ban đầu chúng ta cần thông tin đúng do Đức Phật thuyết giảng, sau đó phải áp dụng vào việc chánh niệm, quan sát các phản ứng thân, tâm của mình.
Cái mà chúng ta gọi là Tôi được hình thành trên cơ sở những ý tưởng, thông qua những suy nghĩ. Rõ ràng suy nghĩ của chúng ta bị điều kiện hóa và nó hun đúc nên cái gọi là Tôi. Cái hiểu Tôi Ta được phát hiện thông qua những thói quen, suy nghĩ. 
Khi có sự quan sát, ghi nhận đúng và bóc tách những gì đang xảy ra sẽ thấy cơ chế đó rõ ràng hơn, càng hiểu cơ chế này thì phản ứng sẽ càng lắng lại và ít dần, giảm dần. Sự ghi nhận không tham dự, không phán xét, đánh giá đó sẽ tạo ra năng lực chuyển hóa. Khi chúng ta chỉ thuần túy quan sát, không phàn nàn hay đánh giá, không có thích hay không thích, hoàn toàn Pháp vận hành như vậy, không có bất cứ điều kiện nào xen vào thì sẽ không còn cái gọi là Tôi Ta.

Hỏi: Vậy khi nào sự hiểu lầm rằng có Tôi Ta biểu hiện ra cho chúng ta thấy?
Đáp: Thường thường là cái Ngã hay sự hiểu biêt sai lầm về Tôi Ta được thiết lập một cách rất mạnh mẽ trong các mối quan hệ.
Thích hay không thích chỉ là biểu hiện bề ngoài, giống như trên sân khấu nước: chúng ta chỉ nhìn thấy những con rối biểu diễn, còn người điều khiển thực sự là nghệ sĩ đứng đằng sau những con rối này. Đằng sau những biểu hiện của chúng ta là các ý tưởng, quan điểm, đánh giá, thành kiến,… về một cái gì đó. Tất cả những điều này được thiết lập, thông qua các mối quan hệ sẽ thể hiện thái độ thích hay không thích.

Hỏi: Vậy trong các mối quan hệ, ví dụ quan hệ Thầy trò, cần nhìn nhận thế nào thưa Sư?
Đáp: Chúng ta nên để ý rằng mối quan hệ hình thành trên ý niệm về con người. Khi mà mối quan hệ hình thành trên ý niệm như vậy thì các quy ước, chuẩn mực về xã hội phải được đưa vào. Điều gì xảy ra nếu tôi không tuân thủ các chuẩn mực đó?  Xã hội sẽ chê bai. Có nhiều giới mà Đức Phật chế ra là để tránh việc thế gian chê trách (giới chế định). 
Vẫn là mối quan hệ đó nhưng chúng ta có thể nhìn theo một chiều hướng khác. Khi nhìn theo chiều hướng này chúng ta sẽ thấy các phẩm chất, các phẩm chất có thể giao thoa hoặc đẩy nhau. Ví dụ như trong mối quan hệ thầy trò, mọi người hãy nhìn người thầy như là các phẩm chất, mà không nhìn đó như là một ông thầy.
Đức Phật là một phẩm chất, như đối với Ân đức Phật chẳng hạn. Mỗi con người ta là những phẩm chất, những phẩm chất tâm. Bất kỳ cái gì cũng vậy. Nếu nhìn nhận như vậy thì sẽ không còn nảy sinh thêm những điều không cần thiết.
Đức Phật có nói rằng, đại ý: Thấy Như Lai không phải là thấy Như Lai bằng xương bằng thịt, mà thấy được các phẩm chất đó. Chính vì vậy thấy Pháp là thấy được Như Lai, thấy Như Lai là thấy Pháp.

Hỏi: Thưa sư, khi gặp một con người nào đấy nếu mà mình chỉ nhìn nhận theo những phẩm chất thì khái niệm con người sẽ mờ dần đi phải không ạ?
Đáp: Ở đây chúng ta bóc tách vấn đề ra để hiểu hơn, còn khi nhìn nhận thì cần nhìn nhận được cả hai, chứ không thể chỉ có nhìn nhận những phẩm chất. Ví dụ như trong mối quan hệ thầy trò, thì cần phải nhìn nhận rõ ai là thầy và ai là trò, chứ không thể theo kiểu “bằng vai phải lứa”, “cá mè một lứa” được.
Khái niệm thì vẫn còn đó, nhưng chúng ta sẽ hiểu một cách rõ ràng hơn các phẩm chất của con người đó. Và cũng chính thông qua các phẩm chất này sẽ giúp chúng ta có được niềm tin và củng cố hình ảnh lưu giữ trong tâm thức - cũng chính là khái niệm.


DÍNH MẮC

Nhà sư:  Có ý kiến cho rằng “Khi cho đi chúng ta mới nhận ra được sự dính mắc” vì có những dính mắc vi tế mà chỉ khi có sự cho đi chúng ta mới phát hiện ra được. Dính mắc có thể kể đến như dính mắc với người hay dính mắc với đồ vật.
Thực tế một người có thể cho đi rất nhiều thứ nhưng có khi một thứ lại không cho ra được, chẳng hạn có anh chàng có thể cho đi cả thế giới nhưng có một người anh ta sẽ không bao giờ từ bỏ. Như vậy số lượng vật cho đi không phản ánh sự buông bỏ. Đôi khi một vấn đề, một việc thôi nhưng  sự buông bỏ lại rất mạnh.
Mặt khác, một người sẽ dễ buông bỏ hơn đối với những thứ họ không có sự quan tâm hay những thứ ít quan trọng đối với họ… Nếu họ quan tâm tới văn thơ mà chúng ta cứ đem những câu chuyện về công nghệ thông tin ra bàn luận, ta nói về  Iphone, về smart phone  thì họ cũng không quan tâm. 
Vấn đề buông bỏ sự dính mắc không nằm ở món đồ ta cho ra hay con người ta từ bỏ, mà vấn đề thuộc về tâm. Ví dụ nếu người nào đó cho đi chiếc điện thoại với động cơ, với ý định là ngày hôm sau họ sẽ có được chiếc khác; hoặc cho đi những thứ họ không quan tâm thì đó đâu phải là cho đi để từ bỏ sự dính mắc? 
Nếu ta phải cho đi món đồ duy nhất, quý nhất không thể thay thế thì sao? Ta có nhận ra sự dính mắc không?
Nhiều Thiền sinh: Thì rất dễ nhận ra sự dính mắc ạ.
Nhà sư : Lúc này họ cảm thấy nuối tiếc. Cảm thấy nuối tiếc như vậy liên quan đến điều gì? Liên quan đến Thọ.  Nếu không có tác động đến thọ thì không có điều gì xảy ra cả, nhưng khi cái Thọ trở nên rõ rệt thì nhận ra dễ dàng.
Có những người rất nhiều lần đau khổ nhưng vẫn không học được bài học nào. Họ biết sự đau khổ, cảm giác đau khổ đó nhưng không có được hiểu biết.
Thất tình, đau khổ cứ lặp đi lặp lại nhưng không có được bài học. Vì sao vậy? Vì mặc dù họ biết thọ khổ và nhưng lại dính mắc với thọ lạc. Bằng mọi cách họ gạt bỏ thọ khổ để thay thế bằng thọ lạc, và để làm được việc đó thì họ thay đổi đối tượng. Đó là trò chơi muôn thủa của tâm, từ trước đến nay vẫn luôn như vậy. Họ chỉ muốn thay đổi chứ không có sự hiểu biết ở đó, thay thế thọ này bằng thọ khác
Thọ khổ dễ thấy hơn, còn học được từ thọ lạc sẽ khó khăn hơn. Chúng ta luôn có xu hướng hướng tới đối tượng, thay đổi đối tượng để tìm kiếm cảm thọ dễ chịu hơn. Như khi bị đau vì ngồi thiền, chúng ta không chấp nhận thọ khổ, mà vẫn có ý muốn thoát khỏi, cố gạt bỏ thọ khổ đó cho hết đau.
Quay lại vấn đề, khi chúng ta bị mất đồ, có rất nhiều cảm giác lộn xộn, chẳng hạn như tự an ủi bản thân “của đi thay người”, .v.v.. Việc tìm hiểu cần phải bắt nguồn từ việc thấy đúng vấn đề. Tuy nhiên nhận ra vấn đề thì chưa đủ, phải có sự chấp nhận điều đó. Nếu nhận ra nhưng không chấp nhận thì không quan sát được. Sự quan sát khách quan chính là việc ghi nhận, hay biết với thái độ chấp nhận cả hai trạng thái: nắm giữ hay chối bỏ.
Nói riêng về chấp nhận, ở giai đoạn ban đầu chúng ta có sự tạm thời chấp nhận; đến khi thực sự có hiểu biết rõ ràng, đầy đủ thì sự chấp nhận mới thực sự là chấp nhận, cho dù có điều gì xảy ra cũng không còn phản ứng.
Chúng ta hãy phân biệt giữa Nhẫn và Nhẫn nhục. Nhẫn là có sự hiểu biết ở đó, ít ra là sự hiểu về nhân tình thế thái. Nhẫn nhục là sự kìm chế, đè nén với một động cơ khác, đến một ngày nào đó sẽ bộc phát mà còn mạnh mẽ hơn, như nhẫn nhục để tìm cơ hội trả thù chẳng hạn. Hình thức bên ngoài có vẻ giống nhau nhưng nội dung, động cơ hoàn toàn khác nhau

Thiền sinh: Con thấy nhiều người chịu nhẫn nhục với những động cơ khác nhau, để củng cố cho bản ngã cúa họ, để được người khác đánh giá tốt,…

Nhà sư: Đa số chúng ta sống theo khuôn mẫu cúa xã hội, thể hiện theo một quan điểm nào đó để xã hội đánh giá cao. Rất khó thoát ra khỏi các khuôn mẫu đó, đôi khi phải trả giá rất nhiều, phải đứng trên đầu sóng ngọn gió, búa rìu dư luận.
Như vậy mọi người nghĩ sao? Có đúng là cho đi thì mới nhận ra được sự dính mắc không?

Thiền sinh: Con thấy khi cho đi thì nhận ra được đa dạng sự dính mắc hơn, chứ không phải là vì cho đi mới nhận ra được. Nhờ có sự cho đi thì dễ nhận ra được rất nhiều sự hiểu biết sai lầm.
Nhà sư: Nếu không nhận biết được những hiểu biết sai lầm thì tâm sẽ củng cố những sai lầm đó. Nếu có sự nhận biết thì có sự hiểu biết, và hiểu biết thì không mang tính củng cố cho những hiểu biết sai lầm; vì hiểu biết luôn luôn đi cùng với sự buông bỏ; đó là hai mặt cúa một vấn đề.

Thiền sinh: Tâm chúng ta luôn dính mắc vào cái đúng và cái sai. Vậy khi đã nhận ra sự dính mắc rồi thì cần phải làm gì? Có nên suy nghĩ lại với góc nhìn mới hay không?
Nhà sư: Chỉ có Pháp hiện tại là thực nhất. Tuy nhiên, việc xem xét, suy nghĩ về các vấn đề của mình để hiểu rõ thêm là cần thiết.
Những gì chúng ta học từ thực tế xảy ra là rất khác nhau, không có trường hợp nào giống nhau hoàn toàn, không ai giống ai, cho nên không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người.
Lý thuyết là như vậy nhưng thực hành quan sát là rất quan trọng. Chẳng hạn, những người dạy Vi Diệu Pháp biết về tâm thì thực sự họ có hiểu biết hết về tâm không? Họ biết rất nhiều lý thuyết nhưng có thể nói là họ hiểu hết về tâm không?

Thiền sinh: Như vậy chánh niệm thì sẽ có được sự buông bỏ, chứ vấn đề không nằm ở việc cho đi hay không mới nhận ra được sự dính mắc?
Nhà sư: Buông bỏ phải đi đôi với sự hiểu biết, khi có hiểu biết thì cùng với nó là sự buông bỏ.
Có người đốt hết nhà cửa nhưng chưa chắc họ đã buông bỏ được nhà cửa. Người ăn mày có thể có rất ít tài sản nhưng lại dính mắc rất chặt, trong khi một ông quý tộc nhà giàu lại có khả năng buông bỏ mạnh. Do đó dính mắc nằm trong tâm thức cúa chúng ta, mà tâm thức phụ thuộc vào sự hiểu biết.
Có những người bị ung thư, bệnh viện trả về thì họ lại có khả năng buông bỏ thực sự, vì khi đó họ đã hoàn toàn bất lực, khi còn hy vọng được sống thì còn không chịu buông bỏ. Như vậy, đó là buông bỏ thực sự hay buông bỏ có điều kiện?
Chúng ta thấy mình luôn luôn bị chi phối bởi các điều kiện không? Cho dù dùng mỹ từ gì chăng nữa thì chúng ta vẫn bị phụ thuộc vào điều kiện, không thể vượt ra ngoài để đạt đến tự do.

Thiền sinh: Chúng ta không thể vượt ra ngoài các điều kiện, vậy chúng ta cần điều kiện gì, yếu tố nào để hỗ trợ phát triển việc buông bỏ?
Nhà sư: Các phẩm chất tâm trong sự quan sát, khi các yếu tố này hội tụ thì tự động tâm buông bỏ. Khi tâm ở trong sự hỷ lạc, an định, cảm giác rất khác biệt, không cần bất cứ điều gì, không thấy ý nghĩa nào khác. Nhưng khi mất đi điều kiện đó thì lập tức rất nhiều trạng thái khác tràn vào.
Chúng ta không cần phải tầm cầu, mà tầm cầu cũng không được vì đó là quá trình đặt điều kiện tiếp theo. Từ trước đến nay ta đều tầm cầu rồi và ngay trong thực hành quan sát thì cũng có ý muốn tầm cầu tại đó.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét