Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

ĐỐI THOẠI PHÁP 4


 ĐỐI THOẠI PHÁP

 Tỳ kheo Paññissara – Sư Chân Tuệ (Sư Thư)

 QUÁN PHÁP

Hỏi: Thưa sư, trong kinh Đức Phật đã nói tới Quán Pháp như thế nào?
Đáp: Khi nói tới Pháp, có một câu Pali tổng kết: nisatta nijīva sabhāva - không có chúng sinh, không có linh hồn, tất cả chỉ là các hiện tượng tự nhiên.
Các Pháp sinh khởi là do có các nguyên nhân của nó. Không có một chúng sinh, không có một linh hồn, tất cả chỉ là các hiện tượng tự nhiên - đó là Pháp.
Trong quán Pháp có các đối tượng là Năm triền cái, Ngũ uẩn, Mười hai xứ, Bảy yếu tố giác ngộ, Thất bồ đề phần và Tứ Diệu Đế.
Tuy nhiên đức Phật vẫn nói rằng: quán thân trên thân, tức là thân chỉ là thân, không có thân nào của tôi cả, cũng là không có ý niệm về cái tôi, của tôi, hình bóng một con người. Dù là quán thân, thọ, tâm, pháp thì ngay từ ban đầu chúng ta luôn cần thống nhất, hiểu rõ những tiêu chí chung như vậy. "Không có chúng sinh, không có linh hồn, tất cả là hiện tượng tự nhiên" bao trùm toàn bộ tất cả các đối tượng mà không chỉ có quán Pháp.

Hỏi: Thưa sư, nếu hiểu Pháp là đối tượng cúa ý môn thì có chính xác không?

Đáp: Như vậy thì chưa đầy đủ vì các đối tượng khác cũng đều là các đối tượng của ý môn. Ví dụ trong phần quán Pháp, năm triền cái thì tham dục, sân hận đều giống trong phần quán tâm. Khi mọi người thấy buồn ngủ, rã rưỡi thì thuộc về pháp hay thuộc về tâm? Về mặt ngữ nghĩa, chúng ta phân biệt ra như vậy còn trong thực hành thì không cần thiết. Đối với trạo hối, hoài nghi cũng như vậy.
Trong quán Pháp, các đối tượng có mặt hay không có mặt chúng ta cũng cần phải ghi nhận. Tại sao các yếu tố này đức Phật lại đưa vào phần quán Pháp? Khi nói tới Năm triền cái chưa được ngăn chặn, chế ngự thì chúng ta chưa chứng được các tầng thiền. Nếu như các triền cái còn có mặt thì không có điều kiện để cho Bảy yếu tố giác ngộ được sinh khởi. Ở đây ta thấy luôn có sự giao thoa.
Tùy từng đối tượng khi thuyết giảng, nếu họ không hiểu được ngũ uẩn (khandha) thì Đức Phật lại giải thích theo mười hai xứ. Đặc biệt khi bóc tách vấn đề ngũ uẩn, ngũ uẩn là sự mở rộng của danh-sắc. Cốt lõi của ngũ uẩn mà không bóc tách được thì không thể quán được Thập nhị nhân duyên.
Các hiện tượng tự nhiên sinh khởi khi các đối tượng tác động lên các căn. Đức Phật có nhiều cách đề triển khai tuy nhiên tất cả đều luôn tựa theo cái sườn đó. Nói tới năm triền cái thì khi nó có mặt, ta biết nó có mặt và khi nó không có mặt thì cũng phải biết nó không có mặt.

Hỏi: Xin Sư nói thêm về việc khi có sự xúc chạm cúa sáu giác quan với các đối tượng cúa chúng, như mắt nhìn cảnh hoàn hôn thì thiền sinh cần phải chánh niệm ghi nhận những gì?
Đáp: Ví dụ mình đang nhìn cảnh hoảng hôn và mình nhìn một bức tranh hoàng hôn thì cái gì là thật, cái gì là ảo?
Tất cả đều là ảo. Mắt không thể phân biệt được đối tượng thuộc khái niệm. Mắt chỉ tiếp nhận được hình sắc (color - vaṇṇa), khi có đối tượng tác động lên nhãn căn thì có nhãn thức sinh khởi,
Tương tự, tai với âm thanh hay mũi đối với mùi cũng như vậy: nhờ sự tiếp xúc cúa tai với âm thanh mà nhĩ thức phát sinh. Trên thân thì có các xúc chạm, thể hiện thông qua các yếu tố đất, lửa, gió, đặc tính của các đại đó và thân thức sinh khởi. Đối tượng của ý thức là suy nghĩ, khái niệm, Niết bàn (chúng ta sẽ không bàn luận đến ở đây vì Niết Bàn là đối tượng của Đạo Quả, còn đối tượng của thiền Minh Sát Vipassana là Thân-Thọ-Tâm-Pháp).
Khi có một que diêm cọ xát vào bao diêm, lửa phát sinh là do que diêm hay bao diêm? (im lặng một lúc) Là do cả hai, có đúng vậy không? Khi có sự cọ xát của hai thứ thì lửa phát sinh. Lửa sinh ra không phải do một mình que diêm hay bao diêm mà là do sự tác động của que diêm và bao diêm.

Khi đối tượng tác động lên các căn (giác quan) thì thức sinh khởi, rồi điều gì xảy ra tiếp theo? Khi mà các khái niệm xuất hiện, xen vào thì phiền não sinh khởi.
Do có đối tượng tác động lên con mắt, thức sinh khởi nên phiền não ập vào. Phiền não không phải lúc nào cũng ở đó mà ở dạng tiềm ẩn. Bình thường thì nếu sư không thấy ai thì đâu có vấn đề gì? Nếu bỗng có một cô gái đi qua, rơi vào phạm vi vùng nhìn mà không phòng hộ các căn, tâm sẽ bám vào các khái niệm như: cô gái, cô còn trẻ, dáng cô trông thật đáng yêu ..., phiền não nhanh chóng sinh khởi. Nếu quan sát, ghi nhận lúc đó thì sẽ thấy có nội xứ (6 giác quan), có ngoại xứ (6 đối tượng cúa giác quan), có thức sinh khởi và các kiết sử (phiền não) xen vào. Đây là đối tượng đúng trong quan sát cúa Thiền Vipassana.

Hỏi: Trong quan sát, con thấy luôn có những khái niệm đàn ông, đàn bà, con vật, cái xe, ngôi nhà…vv xen vào, làm sao để chúng không xen vào, thưa sư?
Đáp: Nếu quan sát, ghi nhận được thì sẽ nhận thấy các quy trình, hoạt động, sự xen vào của kiết sử, phiền não. Chúng ta vẫn cần đến các khái niệm theo quy ước chung, khi cần thì vẫn phải sử dụng mà không hiểu sai sự thật, không sai lầm cho rằng đây là một con người, chúng sinh, đàn ông hay đàn bà … theo nghĩa tuyệt đối.
Chúng ta quay trở về với nguyên nhân gốc ban đầu, phiền não sinh khởi thì phải bám vào khái niệm, nếu hướng tâm tới đối tượng đúng, không có khái niệm xen vào thì phiền não không thể phát sinh. Nếu phiền não đã được loại trừ thì cần phải biết do những nguyên nhân nào được loại trừ.
Chúng ta phải làm sao hướng tâm đến những đối tượng đúng, hướng về thực tánh pháp. Nhờ vậy chúng ta có thể hiểu được cơ chế hoạt động của các hiện tượng. Hướng tâm đúng thì trí tuệ mới sinh khởi, nếu chỉ hướng tâm theo những đối tượng thông thường thì trí tuệ sẽ khó có khả năng hoặc không thể sinh khởi được. Chúng ta nên xác lập cơ chế nhắc nhở sự hướng tâm đúng (yoniso manasikāra). Có sự nhắc nhở thường xuyên sẽ giúp chúng ta hướng tâm quay về đối tượng đúng. Càng hướng tâm về đối tượng đúng, sự hiểu biết sẽ càng sinh khởi và phát triển.

Hỏi: Vậy tại sao lại luôn luôn có những khái niệm này?
Đáp:  Là do vô minh, thiếu hiểu biết, dính mắc và chấp vào các khái niệm tôi, ta, con người, đàn ông, đàn bà, …
Còn việc sử dụng khái niệm mà không có hiểu biết sai lầm là do có trí, ta có thể thấy ở Tầng Thánh Tu Đà Hoàn, người đã diệt trừ được Thân kiến (chấp vào Ngũ Uẩn) nên sẽ không rơi vào bốn đường ác đạo. Nếu  chúng ta còn tái sinh chưa đóng cửa được bốn đường ác đạo, thì tà kiến vẫn có thể sinh khởi.

Hỏi: Như vậy có phải do con mắt mà phiền não xen vào hay do đối tượng (cảnh hoàng hôn) mà phiền não xen vào?
Đáp: Một con bò trắng và một con bò đen buộc vào nhau bằng một sợi dây thừng, thì con nào trói buộc con nào? Không phải con bò trắng trói buộc con bò đen, cũng không phải con bò đen trói buộc con bò trắng mà là do sợi dây - nó trói buộc hai con lại. Như vậy là do năng lực của tham ái, do không hiểu biết mà chúng ta bám dính vào đối tượng để phiền não có điều kiện sinh khởi.
Nếu chúng ta có đầy đủ các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi… , trong điều kiện tự nhiên khi có đối tượng lọt vào vùng của mắt, tai, mũi… thì chúng đều ghi nhận được đối tượng, luôn luôn có một cái nhìn, cái nghe, cái ngửi … xảy ra. Đây là  Pháp tự nhiên, không có ai kiểm soát được những điều đó cả.
Khi nội xứ và ngoại xứ có sự tác động với nhau mà các kiết sử xen vào thì thiền sinh quan sát để biết rõ nguyên nhân nào kiết sử có mặt, nguyên nhân nào kiết sử được loại trừ, và nguyên nhân nào các kiết sử đó không sinh khởi trong tương lai.

Hỏi: Nếu quan sát sự vận hành cúa Pháp theo hướng như trên thì sẽ được những lợi ích gì, thưa sư?
Đáp: Nếu chúng ta thấy rõ bản chất sự vận hành của các Pháp thì không còn sự lầm tưởng rằng có chúng sinh, đàn ông, đàn bà, cái xe … là những cái thật sự có, không còn hiểu lầm về bản ngã, tôi ta nữa; đơn giản, chúng chỉ là sự vận hành cúa các hiện tượng tự nhiên mà thôi.
Có nhiều cách để tiếp cận, để hiểu vần đề: bóc tách và phân tích để nhìn thấy được cơ chế vấn đề hoặc là luôn nhắc nhở bản thân mình. Tốt nhất là kết hợp cả hai cách. Chúng ta hướng tới sự hiểu biết và trí tuệ thì cũng cần phải biết đâu là nguyên nhân để sự hiểu biết và trí tuệ sinh khởi. Chỉ duy trì ghi nhận không thôi là cần thiết, nhưng chưa đủ !

Hỏi: Con đã có kinh nghiệm nhận ra sự làm việc cúa mắt, hình ảnh và tâm nhìn, rồi sự xen vào cúa khái niệm làm cho tham phát sinh. Khi nhận ra sự xen vào đó thì phiền não giảm đi nhưng con không thấy bài học nào ở đó cả.
Đáp: Hiện tượng vẫn chỉ là hiện tượng, kinh nghiệm chỉ là kinh nghiệm, cơ chế cũng chỉ là cơ chế. Điều cần thiết là phải lặp đi lặp lại sự quan sát thì mới có thể học được, mới rút ra được kinh nghiệm đúng.
Trong quan sát luôn có hai tiến trình: tâm quan sát và ghi nhận đối tượng đúng. Tiến trình làm việc cúa tâm và còn một tiến trình nữa phải được hình thành sau rất nhiều kinh nghiệm, đó là sự hiểu biết.

SÂN HẬN
Hỏi: Thưa sư, gần đây con rất giận một người vì bị họ lừa dối, con đã rất cố gắng để tha thứ nhưng khó quá, con phải làm sao?
Đáp: Những lý do làm cơn sân nổi lên thường là chạm vào tự ái của mọi người, chạm vào nỗi đau của họ, và không chịu được nỗi đau đó nên họ thường hay tránh. Khi cố gắng tránh đi, người ta thường dùng những ngôn từ rất cao thượng như "tha thứ", "buông bỏ" nhưng thực tế nó không giải quyết được vấn đề.
Có thực sự là tha thứ không khi mà cơn sân vẫn đang có đó? Sẽ là không thể khi  người ta vẫn đang dính mắc và muốn tránh né sự tổn thương. Nói buông bỏ, tha thứ nhưng liệu có thực sự tha thứ cho người đối diện được không? Nếu còn sự ấm ức trong lòng nhưng lại nói tha thứ thì đó lại là một sự kìm nén.
Trạng thái ấm ức, kìm nén, tổn thương là rất thực, chúng tác động một cách rõ ràng lên thân tâm. Liệu chúng ta có nhận ra sự có mặt của chúng hay chúng ra đang lảng tránh để "tha thứ"?

Hỏi: Con thấy họ có lỗi, nhưng tha thứ là điều tốt đẹp nên con thấy cần cố gắng tha thứ, thưa sư.
Đáp: Chúng ta hướng tới sự tốt đẹp và cao thượng nhưng cái gốc vấn đề vẫn chưa được giải tỏa. Người ta có xu hướng dùng các hình thức khác để khỏa lấp vấn đề,  nhưng dù sao nó vẫn đang tồn tại. Lúc này, giữa nội tâm, bản chất và hình thức bên ngoài  không khớp với nhau.
Đa số các trường hợp, chúng ta không có sự cảm nhận, không sống thực với mình và sẽ có rất nhiều lý do để bao biện khi một việc xảy ra. Chúng ta có thể lừa dối người khác chứ không thể lừa dối chính mình được. Ví dụ có người làm giàu bằng mọi thủ đoạn nhưng luôn dối mình rằng đó là làm giàu đúng đắn, đến khi người ta nhận ra mình đang tự lừa dối thì người ta ăn năn, hối cải rồi đi chùa làm phước để xoa dịu cảm giác tội lỗi đó.
Chúng ta đã quen sống không thực với mình rồi nên cần phải học để sống thật với mình. Học cách để hợp nhất giữa suy nghĩ, lời nói và hành động, đó không phải là chuyện dễ dàng. Nếu chúng ta làm được điều đó thì nó sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Vậy khi chúng ta tu thiền thì CHÂN THẬT chính là một trong những tiêu chí chúng ta dùng để kiểm tra Thân, Khẩu, Ý. Nếu chúng không có sự hợp nhất thì chúng ta cần phải kiểm tra lại.

Hỏi: Thưa Sư, con sống trong một gia đình người Hoa ở Việt nam có tư tưởng trọng nam khinh nữ cho nên con cảm thấy ức chế từ nhỏ, rồi khi lớn lên cho đến khi về già con cũng thấy người phụ nữ luôn bị thiệt thòi hơn đàn ông.  Con tủi thân ức chế nhưng con vẫn phải kìm nén ở trong lòng. Mong sư giúp con để giảm bớt những sân hận trong lòng.
Đáp: Chúng ta sẽ thấy người nữ có rất nhiều những tấm gương giống với hoàn cảnh của cô và họ đã vươn lên.
Khi tức giận, sân hận thì phải có một nguyên nhân nằm sau chứ không phải ngẫu nhiên khi nhìn thấy những cảnh đó chúng ta đã phát sân ngay lập tức được. Có những ý tưởng, suy nghĩ khi không được thỏa mãn thì nó sẽ dẫn tới cơn sân. Đi sâu vào bên trong thì nó liên quan đến thái độ, cái hiểu và quan điểm của mình.
Vì cô sống trong một môi trường trọng nam khinh nữ từ bé, nên trong thâm tâm luôn xuất hiện những phản kháng và khi xuất hiện những cảnh như vậy là tâm sẽ phản ứng.
Trong tâm thức của cô luôn luôn có một sự phản ứng, nó liên quan tới những việc rất xa xưa và khi gặp môi trường thích hợp nó sẽ gây ra những phản ứng.
Nếu chưa hiểu được nó thì chúng ta vẫn chưa giải tỏa được, vẫn còn ấm ức ở trong lòng. Nếu không quan sát được thì liên tục chúng ta có sự phản ứng, nhưng không biết rằng chúng ta có những phản ứng mang tính ức chế.

Hỏi: Thưa sư, mỗi khi thấy những bất công giữa nam và nữ, con luôn muốn đòi lại sự công bằng cho người nữ.
Đáp: Khi chúng ta nghe hoặc nhìn thấy những chuyện bất công và lòng nổi sân đòi lại sự công bằng, liệu có thực sự có công bằng không khi cô đang ở trong một trạng thái sân như thế. Đa phần chúng ta nổi giận đòi lại sự công bằng, và chúng ta thấy rằng sự tức giận này là cần thiết. Có lúc chúng ta lại còn nổi sân với người bị hại khi chúng ta thấy họ nhu nhược và không phản ứng gì khi bị hại. Trong trường hợp này chúng ta dùng cơn sân để thiết lập lại sự quân bình.
Bây giờ sư nêu ra một vấn đề cũng gần với vấn đề của cô. Và mọi người chúng ta cùng bàn luận về vấn đề này. Hạnh phúc là tột cùng của khổ đau, đúng hay sai? Hay nói cách khác thì chúng ta bị đẩy đến tột cùng của khổ đau rồi lúc đó  phải buông bỏ thì chúng ta mới có được hạnh phúc?
Vậy khi nào chúng ta đến tột cùng của khổ đau? Tột cùng của khổ đau có nghĩa là khi không còn một giải pháp nào nữa thì phải buông - dù muốn hay không muốn vẫn phải buông. Ví dụ: Có một người bị ung thư, bác sĩ nói người đó chỉ còn sống ba tháng nữa. Trong khi đang có khối tài sản khổng lồ, người đó ấp ức muốn nán lại ở trần gian lâu hơn để tiêu hết số tài sản kia. Nhưng không được vì thời gian sống thì còn quá ngắn, vì thế cách tốt nhất ở đây là buông bỏ. Vậy thì trong trường hợp người ta bị đẩy đến tột cùng của khổ đau, điều cần thiết bắt buộc là phải buông.
Vậy trong bất kỳ thời điểm nào chúng ta cũng luôn buông bỏ thì dù chưa đạt tới trạng thái tột cùng của khổ đau lúc đó chúng ta đã buông bỏ rồi. Nếu trong tâm thức luôn luôn buông thì đâu có cần phải đợi đến tận cùng của khổ đau. Nếu tâm thức luôn ở trạng thái buông bỏ thì nó luôn nhẹ nhàng, không chịu sự chi phối, áp lực. Không còn sự áp lực nào nữa, cho dù khối tài sản nhiều hay ít, điều đó không còn là vấn đề.
Vậy chúng ta có có thể buông được trong cơn sân hay không? Khi chúng ta buông ở trạng thái tột cùng, cái buông đó có đi kèm trí tuệ hay không thì điều đó chưa chắc. Dĩ nhiên buông ở trạng thái nào nó cũng đem lại cho chúng ta một số những lợi lạc và có trí tuệ thì lợi ích sẽ lớn lao hơn rất nhiều.

Hỏi: Thưa sư, con thấy rằng cái việc đó nó đang xảy ra thì mình không biết, nhưng khi đến tận cùng của sự khổ rồi mình mới biết. Chứ thời điểm chưa đến tận cùng mình vẫn cảm thấy bình thường, cái khổ nó chưa đến mức tận cùng.
Đáp: Bây giờ chúng ta xem lại từ “tận cùng” - nó là một khái niệm. Nếu chúng ta nói tận cùng thì chắc chắn đang có sự so sánh. Ví dụ mọi người thấy quả trứng nó cứng, nhưng khi đập vào đá thì nó vỡ vậy “cứng” ở đây là một khái niệm để so sánh với một vật khác chứ nó không thể hiện bản chất của từ đó. Vậy khi nói đến tột cùng thì chúng ta phải có một cái mốc để so sánh. Trong một trường hợp nào đó khi nó bùng phát, chúng ta nhìn lại cả tiến trình và so sánh nó với toàn bộ tiến trình thì chúng ta thấy rằng đây là một điểm đáy. Vậy liệu chúng ta có thể nhìn toàn bộ tiến trình nó phát triển cho tới đáy hay không?
Mọi người nói đến “khổ tột cùng”, vậy như thế nào là “khổ tột cùng’? Mỗi người sẽ có một tiêu chí, chuẩn mực để đánh giá khác nhau. Do có sự khác nhau như thế nên chúng ta phải quan sát cả một tiến trình xem như thế nào là tột cùng khổ với chính mình. Khi mà tâm còn tìm được một lối thoát thì nó còn chưa chấp nhận được thực tại. Tâm chưa chấp nhận buông bỏ nếu còn có lối thoát cho nó.

Hỏi: Xin sư quay lại vấn đề ban đầu ạ, xin cho con lời khuyên để con giảm bớt những sân hận khi thấy những sự bất công giữa người nam và người nữ.
Đáp: Vấn đề là không ai gỡ rối được cho ai. Nếu bảo cô phải làm ABC như thế này thế nọ thì chuyện đó không có giá trị nhiều trong việc giúp đỡ cô. Khi nêu ra những vấn đề như trên mà cô dần hiểu thì tự động sự việc sẽ được chuyển hóa. Nếu không như vậy thì mặc dù chúng ta có thể nghe người này khuyên, người khác bảo ban nhưng cuối cùng chúng ta vẫn đi theo con đường mình đã chọn.
Nếu chưa hiểu rõ tâm thức của mình thì cho dù có tác động bảo rằng đúng sai như thế nào thì tâm vẫn chưa chịu. Nhưng nếu có đầy đủ thông tin và có sự hiểu biết thì tự động chúng ta sẽ có câu trả lời cho chính mình. Và câu trả lời nằm trong một tiến trình chứ không nằm ở những giai đoạn cụ thể.
Chúng ta đã quen với việc khi đặt câu hỏi thì phải có câu trả lời cụ thể và cố đi tìm nó. Sư sẽ đặt vấn đề ngược lại: "Không đi tìm giải đáp cụ thể mà đi tìm tiến trình nó phát triển như thế nào để hình thành nên câu hỏi đó". Nếu chúng ta có thể làm theo cách này thì tự động sẽ có giải đáp. Trong thực tế, khi hỏi để có lời khuyên, nghe thì tưởng đơn giản nhưng trong tâm khảm của mọi người lại phức tạp hơn thế rất nhiều. Có thể chúng ta nói ra một phần trong một tiến trình dài và sư cũng chỉ hiểu được một khúc nhỏ thôi chứ chưa hiểu được quá trình dài đó nó diễn ra như thế nào.
Các trạng thái tâm không cố định mà là trạng thái tâm thức trôi chảy. Đừng kỳ vọng vào một giải pháp, một đáp án cụ thể, cái đó chính là giải pháp chết. Chúng ta đang bàn về giải pháp mà có thể thích ứng ở nhiều hoàn cảnh khác nhau và có năng lượng chuyển hóa thực sự. Vì tâm của chúng ta thường quen vào việc chốt vào mặt thời gian, nơi chốn… Từ xưa đến giờ mỗi khi gặp một vấn đề chúng ta phải tìm một đáp án cho tâm, và cái đó chính là điều nguy hiểm.
 
SÁT NA ĐỊNH VÀ CẬN ĐỊNH


Hỏi: Thưa sư, con muốn hỏi sát-na định và cận định thì khác nhau và giống nhau như thế nào? Theo con hiểu cận định là tâm bắt một đối tượng, còn sát-na định thì tâm bắt từng đối tượng một. Hai loại định này giống nhau về mặt trạng thái, tức là cân bằng giống nhau. Con hiểu như vậy có đúng không ạ?
Đáp: Trong thực hành thiền, người ta nói rằng để chuyển qua thiền quán thì một trong những cách thức là cần phải đạt cận định. “Cận” là gần sát hay kề cận, “Định” là nói đến tầng thiền (jhāna), cận định (upacāra samādhi) có nghĩa gần đến các tầng thiền, chẳng hạn như sơ thiền, nhị thiền ...
Vậy khi nào được gọi là sơ thiền? Khi đạt được năm chi thiền: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Nhất Tâm – thì tâm đạt trạng thái sơ thiền, và khi đạt trạng thái sơ thiền thì cũng có nghĩa là năm triền cái được trấn áp. Chúng ta cần hiểu rõ: "có những lúc năm triền cái được trấn áp nhưng vẫn không đạt được tầng thiền, còn khi đã đạt được sơ thiền thì tự động năm triền cái được trấn áp". Vậy sơ thiền là khi đạt hay hội tụ được năm chi thiền.
Cận định là gần đạt tới các tầng thiền. Cận định cũng có đầy đủ sức mạnh của các chi thiền nhưng ở mức độ thấp hơn. Năng lực của sát-na định cũng tương ứng như trong trường hợp của cận định.
Nói đến định, cận định – upacāra hoặc an chỉ định – appanā, có nghĩa là bám, an trú trên một đối tượng. Còn khi nói đến sát-na định (khaṇika samādhi), có nghĩa tâm bám đối tượng, rồi nhả, rồi bám cái khác, rồi nhả, liên tục như vậy, nhưng khi bám thì bám rất chắc.
Nếu định yếu thì tâm không đi sâu được vào đối tượng mà dễ trượt đi. Khi chánh niệm tốt thì sẽ thẩm thấu được vào trong đối tượng, giống như viên sỏi ném xuống dưới nước, ăn sâu vào trong lòng nước. Hai trạng thái này rất khác nhau, nếu không chúng ta sẽ thấy rằng khi quan sát thấy đối tượng mà không thể hiểu rõ đối tượng.
Định cũng có thể bị ô nhiễm. Visuddho là thanh tịnh, avisuddho là không thanh tịnh. Khi có định, sẽ có tướng, sẽ có các cảm giác đi kèm, ngay lập tức tâm bám vào đó, nó sẽ muốn an ở đó. Và khi những cảm giác đó qua rồi, thì tâm muốn lần sau cũng phải đạt được trạng thái như vậy. Hầu hết các thiền sinh đều trải qua trạng thái này.

Hỏi: Định bị ô nhiễm khi nào, thưa sư?
Đáp: Đầu tiên là tâm ham muốn có trạng thái định đó, thứ hai là sợ bị mất, và thứ ba là muốn trạng thái đó lặp đi lặp lại. Ngay cả sự hiểu biết cũng có thể bị ô nhiễm. Nếu thiền sinh dính mắc vào sự hiểu biết thì không còn sự thanh tịnh nữa, mà điều còn lại là sự dính mắc.
Trí tuệ được hình dung như một tia chớp. Tia chớp đầu tiên rất quan trong, giống như khi ta đang đi trên một con đường trong bóng tối mịt mùng, nhờ một tia chớp lóe lên mới thấy được con đường, thấy được các hàng cây xung quanh, như vậy là đủ để ta có thể xác định được phương hướng mình đang đi. Ngay lập tức tia chớp lại tắt nhưng ít nhất là ta đã thấy được con đường, đã hình dung, mường tượng được rồi. Tia chớp thì không thể sáng mãi, tia chớp xuất hiện rồi mất ngay, nhưng đủ thời gian để cho ta thấy. Rồi khi ta tiếp tục công phu sẽ nhiều ánh chớp xuất hiện hơn, liên tục hơn.

Hỏi: Con nghe nói có khi trí tuệ có mặt nhưng người hành giả không biết, và người hành giả phải hiểu biết thêm rất nhiều lần cho đến khi tích lũy đủ…
Đáp: Chúng ta cần phải có thời gian làm quen. Ngay cả chánh niệm cũng có nhiều mức độ, từ hời hợt đến sâu sắc. Phiền não cũng như vậy, như một vị thiền sư đã nói chúng ta đã làm quen rất nhiều với phiền não rồi, nhưng chưa quen với chánh niệm, với trí tuệ hay các phẩm chất tương tự.
Trong ngũ căn – ngũ lực có: Tín – Tấn – Niệm – Định – Tuệ. Khi Tín có mặt hay không, thiền sinh biết; có Tấn hay không, thiền sinh cũng biết, có Niệm, có Định hay không, thiền sinh cũng biết; nhưng có Tuệ hay không thì lại không biết. Các yếu tố kia khi kiểm tra thấy rất ổn nhưng Tuệ dường như vẫn chưa có mặt.
Có thể nói đây là một trong những thiếu sót của các thiền sinh do chúng ta không tạo ra được các mối liên kết giữa các mối quan hệ. Khi các mối liên kết được hình thành thì ta không hiểu được mối quan hệ giữa các mối liên kết đó, các cơ chế làm việc,…mà đó là nền tảng để tiếp tục phân tách tiếp.


SỰ THẬT

Hỏi: Thưa sư con thấy khi có những vấn đề xảy ra thì sự dũng cảm rất quan trọng. Vì thường thì người ta thường bỏ chạy mà không dám đương đầu với khó khăn đó.
Đáp: Khi gặp phải vấn đề quá nan giải hay đương đầu với nguy hiểm, chúng ta thường tránh né hoặc bỏ chạy, nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời. Trong bất luận trường hợp nào, người ta cần phải tìm ra lối thoát. Khi không có đủ sự thông minh thì lối thoát thông thường là rượu bia, giải trí … sẽ giúp giải tỏa tâm trí. Lúc đó, tâm sẽ tạm thời quên đi các chi phối và bắt vào đối tượng khác - được tạm thời tạo ra đủ khả năng thu hút. Nhưng nếu không cẩn thận, phiền não lại bị chìm sâu xuống, càng trở nên nguy hiểm và mệt mỏi hơn. Không phải cố quên đi không nghĩ đến thì vấn đề không còn nữa, điều quan trọng hơn là cần phải hiểu vấn đề để giải tỏa.
Trốn chạy chỉ là biện pháp tạm thời khi tâm thức chưa có đủ hiểu biết. Bao giờ cũng vậy, con người ta có rất nhiều nội kết bên trong. Bắt buộc những tiến trình này phải được trồi lên dần dần, từ những cái nhỏ cho đến cái lớn, chúng cần phải được giải tỏa; nếu không được giải tỏa thì chúng sẽ luôn ở dạng tiềm ẩn và sẵn sàng trồi lên khi có điều kiện.
Cứ giữ chặt các ức chế bên trong thì thực sự là một gánh nặng về mặt tâm lý, làm cho chúng ta luôn cảm thấy không được thoải mái. Nếu có thể quan sát khi các tiến trình đó trồi lên bề mặt ý thức một cách tự nhiên, cho đến khi có được sự hiểu biết rõ ràng thì chúng tự khắc tan biến - sẽ không còn là vấn đề hay ức chế nữa.
Nếu như đó thực sự "không là vấn đề" thì vấn đề nằm ở chỗ anh ta tự cho đó là vấn đề, do có những hiểu biết sai lầm, hoặc có thể so với những chuẩn mực quy ước của chính bản thân anh ta mà điều đó trở thành vấn đề.



Tiếp theo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét