Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

sách CHÁNH NIỆM TỪNG KHOẢNH KHẮC 2

HOẠT ĐỘNG HÀNG NGÀY

Thiền không chỉ là ngồi. Chúng ta đứng dậy sau khi ngồi thiền để làm các hoạt động khác ra sao? Hãy đứng dậy và làm trong chánh niệm. Khi chuyển tiếp từ ngồi thiền sang các hoạt động khác, hãy luôn chánh niệm. Chánh niệm cần phải được duy trì liên tục trong cả ngày khi ngồi, khi đi, khi ăn hay làm các hoạt động khác. Làm như vậy các bất thiện tâm sẽ khó xen vào.

Chúng ta có hay biết tâm đang làm gì khi đi lên hay xuống cầu thang, khi tra chìa khóa mở cửa, khi mở hoặc đóng cửa. Khi bước vào phòng đầu hay chân vào trước? Chúng ta cần phải quan sát bản thân trong các hoạt động thường ngày như thế này. Chúng ta làm gì khi trở về phòng riêng của mình? Liệu khi vừa vào phòng chúng ra có tháo khăn và quăng nó lên giường hay không? Hãy tiếp tục hay biết khi chúng ta ở trong phòng của mình. Chúng ta có thể học hỏi từ bất kỳ cái gì đang xảy ra. Mỗi khoảnh khắc đều là khoảnh khắc thích hợp để hành thiền.

Hãy quan sát tất cả các hoạt động thường ngày như rửa mặt, đánh răng, chải đầu, thay quần áo. Cố gắng hay biết tất cả các hoạt động này cho dù là nhỏ nhất.

Lúc ban đầu có thể quan sát các hoạt động nổi trội trong thân, nhưng điều quan trọng là phải luôn kiểm tra tâm, vì trạng thái tâm thiền thì quan trọng hơn những gì xảy ra trong thân. Hãy có sự thích thú quan sát bất kỳ cái gì đang xảy ra và bất kỳ cái gì chúng ta đang làm, vì chúng ta muốn biết mọi thứ liên quan tới tâm và thân hoạt động ra làm sao.

Đồng thời cũng phải hay biết khi đi ngủ và khi chìm vào giấc ngủ. Khi thức dậy cũng phải biết tới cảm giác ngái ngủ hoặc muốn ngủ thêm. Đó cũng là hành thiền.

• Chúng ta hay biết cái gì khi vừa thức dậy?
• Thân nằm ngửa hay nằm sấp?
• Điều gì xảy ra trong thân?
• Điều gì xảy ra trong tâm?
Chúng ta đang sử dụng sự thông minh, trí tuệ của mình và liên tục làm cho chúng sắc bén do có sự thích thú trong khi thực hành, trong việc chúng ta đang làm và bằng cách đặt ra các câu hỏi như:

• Đó là cái gì?
• Điều gì đang xảy ra?
• Tại sao nó xảy ra?
Khi suy nghĩ về việc hành thiền và cách thức thực hành tức là chúng ta đang tạo ra các tư duy thiện, như vậy các tư duy bất thiện khó sinh khởi. Hành thiền là làm sắc bén chánh niệm, phát triển sự ổn định của tâm và trí tuệ. Có một số câu hỏi cần suy xét như sau:

• Tôi đang làm gì?
• Tôi đang hành thiền ra sao?
• Tôi thực hành có đúng cách hay không?
• Tôi tiếp tục việc thực hành ra sao?
Trong giai đoạn đầu chúng ta có thể cảm thấy hơi mệt khi học cách thực hành cho thành thục. Nhưng khi đã biết thực hành cùng với thái độ chân chánh cả tâm và thân sẽ cảm thấy bình an.

CÁI ĐAU

Tham có mặt nếu chúng ta tự động điều chỉnh tư thế để làm giảm sự khó chịu hay nói cách khác nhất quyết không chuyển động bằng bất kỳ giá nào thì sân đang hoạt động. Dĩ nhiên không ai thích cái đau, cái ngứa, cái tê. Sân tự nhiên sinh khởi khi chúng ta quan sát cái đau này. Chúng ta có thể nhận ra các phản ứng này và tránh rơi vào các thái cực: điều chỉnh tư thế ngay lập tức hay không thay đổi tư thế bằng bất kỳ giá nào.

Liệu có phải là việc hành thiền nếu luôn hay biết cái đau này cùng với sân? Ví dụ, điều gi xảy ra khi chúng ta đang nổi sân với một ai đó và tâm lấy hình ảnh người đó làm đối tượng? tương tự như vậy cái đau sẽ tăng lên khi tâm quan sát nó cùng với sân. Khi có cái đau tâm sẽ bị hút vào cái đau này và chú tâm tới nó. Điều này xảy ra không phải là một kinh nghiệm thích thú mà là một kinh nghiệm khó chịu.

Chúng ta sẽ làm gì trong trường hợp này? Khi cái đau trở nên rõ rệt đừng quan sát vào cái đau vội. Đừng quan sát trực tiếp vào cái đau khi có sự kháng cự. Hãy kiểm tra trạng thái tâm trước. Chúng ta quan sát cái đau này ra sao? Tâm đang nghĩ về cái đau này như thế nào? Có nhiều suy nghĩ liên quan tới cái đau này. Tâm cảm thấy bị co lại và căng thẳng khi có cái đau này. Chúng ta khó sống với sự khó chịu này. Cố gắng quan sát cảm giác trong thân và các cảm thọ của tâm liên quan tới cảm giác này, chúng xảy ra đồng thời.

Ngay khi chúng ta chuyển đối tượng chú ý từ cái đau sang tâm chúng ta đã có thái độ buông bỏ.

Thái độ của tâm ở đây có thể là: “hãy để cho cái đau tự diễn ra một lát, tôi chỉ quan sát tới mức tối đa có thể và sẽ thay đổi tư thế khi không thể quan sát được nữa”.

Như vậy khi có đau thì hãy quan sát tâm lúc này có đôi chút khó chịu và rất khó để có thể chịu đựng cái đau này. Sân sẽ phóng đại tình huống và làm cho cái đau trở nên tê cứng. Thực tế thì nó không đau tới mức như vậy. Nếu sân không có mặt thì chỉ có các cảm giác vi tế mà thôi, cái đau sẽ không còn. Thậm chí khái niệm về “cái đau” lúc ban đầu cũng biến mất.

Nói tóm lại, có sự hiểu biết sẽ hỗ trợ nhất định khi chúng ta chưa thể xử lý được tình huống. Cố gắng chạy trốn khỏi cái đau khi nó mới xuất hiện chứng tỏ không có yếu tố của trí tuệ. Tâm tham chỉ được thỏa mãn khi tư thế thay đổi, còn tâm sân không thỏa mãn nếu thay đổi tư thế. Chỉ có trí tuệ mới nhận ra sự việc theo đúng bản chất của chúng.

Như vậy chúng ta có thể quan sát cho tới khi không chịu được cái đau nữa thì sẽ thư giãn đôi chút và thay đổi tư thế. Khi thay đổi tư thế cũng phải làm trong chánh niệm vì đó cũng là một phần của việc hành thiền. Đức Phật không bao giờ chỉ dạy là không được thay đổi tư thế trong khi thiền. Nếu cần thấy thay đổi thì nên thay đổi. Nếu không cần thay đổi thi đừng thay đổi. Sẽ không có trí tuệ nếu cưỡng ép bản thân chịu đựng cái đau khi nó trở nên quá căng thẳng. Từng chút một tăng thời lượng ngồi thiền và chúng ta sẽ thấy mình có thể ngồi được lâu hơn. Một khi tâm đã trong sáng và an định (có thái độ chân chánh) chúng ta có thể quan sát bất kỳ cái gì mình muốn. Với tâm thư giãn quân bình này, khi quan sát lại cái đau trước đó chúng ta sẽ không còn cảm thấy đau nữa. Khi tâm bắt đầu hiểu được điều này thì sự chấp nhận sẽ diễn ra một cách tự nhiên.

CẢM THỌ

Chừng nào có tâm thì có cảm thọ và có 3 loại cảm thọ: thọ lạc, thọ khổ, thọ xả (thọ không khổ không lạc). Còn có thân là còn có đau, có bệnh.

Điều gì quan trọng hơn: cảm thọ biến mất hay là học hỏi từ cảm thọ?

Vậy vượt qua cảm thọ nghĩa là gì? Vượt qua cảm thọ khi tâm không có phản ứng cùng với tham hay sân, mà nó vẫn duy trì được sự hay biết cùng với trí tuệ. Tức là không có cảm thọ thích hay không thích đối với hiện tượng đang xảy ra trong thân. Tâm ở trạng thái xả và có trí tuệ đi cùng. Đó là ý nghĩa của việc vượt qua cảm thọ.

Thậm chí ngay cả khi cho rằng chúng ta đang học hỏi từ đối tượng thì cũng luôn có sự đối kháng đối với đối tượng khó chịu và mong muốn nó biến mất. Chúng ta luôn muốn cái tiêu cực biến đi và cố gắng chấm dứt nó. Khi cái tích cực sinh khởi thì chúng ta lại muốn nó kéo dài hơn. Liệu đó có phải là Pháp hay không?

Công việc của chúng ta là ghi nhận cảm thọ chỉ là cảm thọ. Cảm thọ này không phải là một con người hay là một thực thể và nó cũng không có bất kỳ điều gì để làm với “chúng ta”.

Chúng ta cần phải thực hành để sự hiểu biết và trí tuệ như thế này sinh khởi. Khi nhận ra rằng không có một cá nhân nào cả thì chúng ra sẽ không còn thấy vấn đề gì nữa.

Vấn đề chỉ nảy sinh khi chúng ta coi cảm thọ là “của mình”. Vì vậy hãy nhận ra thái độ tiềm ẩn này khi cảm thọ sinh khởi. Chúng ta thực hành vì muốn có sự hiểu biết.


CƠN SÂN CHỈ LÀ CƠN SÂN, NÓ CŨNG LÀ MỘT HIỆN TƯỢNG TỰ NHIÊN

Ngài trưởng lão Shwe Oo Min thường hỏi: “cơn sân lớn chừng nào bằng nắm tay hay bằng quả bóng?” liệu cơn sân của người Trung Hoa có mạnh hơn cơn sân của người Ấn không? Không có cơn sân nào mạnh hơn cả, vì chúng đều giống nhau, cơn sân chỉ là cơn sân.

Chúng ta thường nói cơn sân của người khác là “họ sân” và cơn sân của mình là “tôi sân”. Đó là thái độ sai. Hành thiền để hiểu về bản chất thật sự của các phiền não này, chúng ta không thể học hỏi được khi coi các phiền não này là của mình.

Sân và tham có bản chất riêng của chúng, sân thì thô tháo và có bản chất phá hủy. Mặt khác, tham có bản chất dính mắc và nắm giữ, cái tham thì không muốn buông bỏ.

Bản chất của tâm là phải có cả kinh nghiệm tốt và kinh nghiệm xấu trong lúc hành thiền. Khi có thái độ và ý tưởng sai lầm thì tham hay sân sinh khởi, khi có thái độ chân chánh trí tuệ sinh khởi. Các khó khăn chúng ta gặp phải là do không có thông tin đúng đắn trong việc quan sát và không có sự hiểu biết về bản chất của tâm. Thật khó khăn để thực hành mà không có sự hiểu biết thấu đáo về cách thực hành. Khi có sự hiểu biết thực sự mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp.

CỐ GẮNG BỀN BỈ

Muốn có được chánh niệm tự nhiên, thì cần phải có sự cố gắng bền bỉ trong từng khoảnh khắc.

Chúng ta không làm được điều này là do sự cố gắng miễn cưỡng, nó làm tiêu tốn nhiều năng lượng cùng một lúc và chỉ giãn ra khi chúng ta trở nên mệt mỏi. Khi năng lượng phục hồi chúng ta sẽ trở nên tỉnh táo và bắt đầu hay biết trở lại. Không thể phát triển được chánh niệm một cách liên tục nếu cứ làm theo cách ngẫu nhiên nảy.

Hãy phát triển chánh niệm một cách liên tục. Khi có chánh niệm một cách liên tục, tâm có thể liên tục quan sát toàn bộ tiến trình để thấy cái gì tới trước đó, cái gì xảy ra sau đó mà không cần phải ép buộc, tâm sẽ nhận ra được mối quan hệ giữa nhân và quả. Chỉ còn công việc là hay biết cái đang xảy ra và cái xảy ra tiếp theo. Chỉ có công việc duy nhất này mà thôi, không có công việc nào khác nữa.

Với sự cố gắng bền bỉ chúng ta sẽ phát triển được khả năng chịu đựng và sự tin tưởng vào bản thân. Hãy thử làm xem sao nếu quí vị chưa tin điều này. Chúng ta sẽ thấy hạnh phúc khi có thể hiểu về bản thân mình. Hạnh phúc này xuất phát từ đâu? Hạnh phúc này là do có sự hiểu biết.

CHÁNH NIỆM CÓ ĐÀ

Khi chánh niệm và sức định yếu thì phiền não rất mạnh trong tâm, chúng ta không thể quan sát được thực tại cho dù cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa. Không có chánh niệm một cách liên tục thì tâm quan sát một sự việc nó bỏ lỡ và nó quan sát lại một lần nữa. Liệu chúng ta có thể hiểu toàn bộ nội dung nếu chúng ta bỏ lỡ một số cảnh trong một cuốn phim? Sự không liên tục này sẽ là khó khăn để nắm bắt toàn bộ bức tranh và trí tuệ không có cơ hội phát triển. Đó là lý do vì sao tôi nhấn mạnh là phải duy trì chánh niệm một cách liên tục. Chúng ta chỉ cố gắng hay biết một cách liên tục để tạo đà cho chánh niệm. Khi chánh niệm có sức mạnh, tâm sẽ hay biết được nhiều đối tượng và chánh niệm sẽ tạo được đà cho chính nó. Chúng ta không làm công việc hay biết càng nhiều càng tốt.

GIÁ TRỊ CỦA CHÁNH NIỆM

Khi mới hành thiền chánh niệm, định và tuệ chưa có, chúng chỉ có mặt sau một thời gian thực tập. Hãy đánh giá cao về sự có mặt về các phẩm chất thiện tâm này. Giá trị của chánh niệm là gì? Chánh niệm loại bỏ cái gì? Chánh niệm loại bỏ và thay thế sự thất niệm.

Chúng ta muốn ghi nhận phiền não sinh khởi như là một hiện tượng tự nhiên. Cái thiện sinh khởi cũng là Pháp mà bất thiện sinh khởi cũng là Pháp.

Chúng ta thực hành là để có thái độ chân chánh, hiểu về bản chất của các hiện tượng tự nhiên (Pháp) và để tận diệt các phiền não.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét