SÁCH: CON ĐƯỜNG CỔ XƯA: CHƯƠNG I - QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

SÁCH: CON ĐƯỜNG CỔ XƯA: CHƯƠNG I - QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO

Con Ðường Cổ Xưa
(The Buddha's Ancient Path)Piyadassi Thera

Dịch giả: Tỳ Khưu Pháp Thông


CHƯƠNG I

Quan điểm của đạo Phật

-ooOoo-

Một trong những nét đặc thù phân biệt Ðức Phật với giáo chủ của các tôn giáo khác là: Ngài là một con người không liên hệ gì với bất kỳ một đấng Thượng Ðế hay đấng "Siêu Nhiên" nào cả. Ðức Phật không phải là Thượng Ðế, cũng không phải là hoá thân của Thượng Ðế hay bất kỳ một nhân vật thần thoại nào. Ngài là một con người, nhưng con người siêu việt, một con người phi thường (Accariya -- manussa). Mặc dù vẫn sống cuộc đời của một người bình thường như mọi người, song nội tâm Ngài đã vuợt qua trạng thái phàm nhân ấy. Chính vì lý do này Ngài được gọi là một chúng sanh duy nhất, một tối thượng nhân (Purisuttama).

Ðức Phật nói: "này các Tỳ khưu, ví như một đoá hoa sen sanh ra và lớn lên trong nước, vươn lên khỏi mặt nước và không bị ô nhiễm bởi nước. Ðức Như Lai cũng vậy, này các Tỳ khưu, sanh ra và lớn lên trong thế gian sau khi nhiếp phục đời, ta an trú, không bị đời làm ô nhiễm" [1].

Do nỗ lực không ngừng của tự thân, hoàn toàn không có sự trợ lực của một vị thầy, dù là chư thiên hay loài người, Ngài đã thành tựu tri kiến giải thoát; đạt đến tuyệt đỉnh của sự thanh tịnh và viên mãn những phẩm hạnh cao quý của bản chất con người. Ngài là hiện thân của Bi và Trí, mà điều này đã trở thành hai nguyên tắc hướng đạo trong giáo pháp (Sàsana) của Ngài.

Qua kinh nghiệm bản thân, Ngài hiểu rõ tính ưu việt của con người và khám phá ra cái khái niệm về một đấng "Siêu Nhiên" nắm quyền chi phối vận mệnh của các chúng sanh bên dưới chỉ là ảo tưởng. Ðức Phật không bao giờ tuyên bố sẽ là đấng cứu thế cố gắng cứu vớt các "Linh Hồn" bằng phương tiện của một tôn giáo thiên khải.

Nhờ sự kiên trì và trí tuệ của mình, Ngài đã chứng minh cho mọi người thấy được những khả năng vô tận tiềm tàng trong con người, rằng muốn phát triển và khai mở những khả năng này đòi hỏi phải có sự nỗ lực tự thân của họ. Cũng bằng kinh nghiệm cá nhân của mình, Ngài đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng sự giác ngộ và giải thoát nằm hoàn toàn tuyệt đối trong tay con người. Là một người tiêu biểu cho nếp sống tích cực cả bằng ngôn giáo lẫn thân giáo, Ðức Phật thường xuyên khích lệ hàng đệ tử trau dồi tinh thần tự lực như vầy: "Tự mình nương tựa mình, chứ nương tựa ai khác?"[2].

Cũng chính Ðức Phật là người lần đầu tiên trong lịch sử thế giới tuyên bố rằng con người có thể đạt đến sự giải thoát hoàn toàn không lệ thuộc vào một tác nhân bên ngoài nào, rằng sự giải thoát khỏi khổ cần phải được mỗi người thực hiện và uốn nắn cho chính bản thân mình trên cái đe của các hành động thân, khẩu, ý của họ.

Không ai có thể ban bố sự giải thoát cho người khác chỉ đơn thuần do van xin cả. Người khác có thể gián tiếp giúp chúng ta một tay trong vấn đề này, song giải thoát tối thượng chỉ có thể đạt đến bằng sự tự chứng và tự ngộ chân lý, mà sự tự chứng này chỉ đến với người nào có thể quyết định những vấn đề của mình không có gì cản trở. Mỗi cá nhân phải thực hiện những nỗ lực thích hợp để bẻ gãy xích xiềng đã giam giữ họ và thành tựu sự giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi bằng sự kiên trì, tự lực và tuệ giác chứ không bằng cầu nguyện hay van xin một đấng quyền năng nào cả. Ðức Phật khuyên hàng đệ tử của Ngài không nên đùn gánh nặng cho một ai khác bên ngoài, dù là đấng cứu thế hay đấng Phạm Thiên, v.v... Ngài hướng dẫn và thúc giục họ phải nỗ lực thực hiện việc phát triển những sức mạnh và phẩm chất nội tại của họ. Ngài dạy rằng:

"Như Lai đã hướng các con đến con đường giải thoát, Chân Lý (Dhamma) cần phải được tự mình chứng ngộ"[3].

Người tu sĩ Phật giáo không phải là các giáo sĩ đứng ra thực hiện những nghi lễ thiêng liêng, họ cũng không ban phước và xá tội cho ai được. Một nhà sư Phật giáo lý tưởng không thể và không bao giờ hành sử như một đấng trung gian giữa con người và các quyền năng "Siêu Nhân", vì đạo Phật dạy rằng mỗi cá nhân phải tự có trách nhiệm đối với vấn đề giải thoát của mình. Chính vì vậy, tranh thủ đặc ân của một đấng trung gian là điều vô ích và không cần thiết. "Hãy tự mình nỗ lực, các đấng Như Lai chỉ là người chỉ đường"[4].

Con đường ở đây chính là CON ÐƯỜNG CỔ XƯA mà các bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác xưa nay vẫn bước theo và chỉ lại cho mọi người. Ðó là con đường Bát Chánh dẫn đến giác ngộ và giải thoát tối thượng.

Nét đặc thù khác là Ðức Phật không bao giờ giữ độc quyền trí tuệ tối thượng cho riêng mình. Ðối với Chư Phật một ước muốn ích kỷ như vậy là hoàn toàn không thể quan niệm được. Sự giác ngộ viên mãn, sự khám phá và chứng ngộ Tứ Thánh Ðế (Phật quả), đâu phải là đặc quyền của một con người đã được đặc chọn nào theo ý trời, nó cũng không phải là một sự kiện độc nhất, không thể lập lại trong lịch sử nhân loại. Ðó là một sự thành tựu mở ra cho tất cả những ai nhiệt tâm nỗ lực vì sự thanh tịnh tuyệt đối và trí tuệ chân chánh,  với ý chí tu tập theo chánh đạo không gì lay chuyển nổi.
Những ai tự mình tu tập theo Chánh Ðạo và đạt đến tuyệt đỉnh của sự chứng ngộ, sự giải thoát cuối cùng khỏi  mọi khổ đau, đã được Ðức Phật long trọng tuyên bố là ngang bằng với Ngài về phương diện giải thoát khỏi các cấu uế cũng như về phương diện giải thoát tối thượng.

 "Như Ta, bậc Thánh giả,
Những ai chứng lậu tận"
[5].

Tuy nhiên Ðức Phật cũng phân tích rõ cho hàng đệ tử của Ngài thấy sự khác biệt và nét thù giữa bậc Chánh Ðẳng Giác và các vị A-La-Hán, bậc Thánh lậu tận:

"Này các Tỳ khưu! Như Lai trong khi là một bậc A-La-Hán Chánh Ðẳng Giác. Chính vị (A-La-Hán) ấy công bố con đường trước đây chưa từng công bố, là bậc thấu rõ con đường (Maggavidù), bậc liễu ngộ con đường (Mag-gannù), bậc thuần thục về con đường (Maggakovida)[6].

Và bây giờ các vị đệ tử của vị ấy là những người sống theo con đường (Bát Chánh Ðạo), là những người đi theo bước chân của vị ấy, tiếp tục thành tựu (đạo). Này các Tỳ khưu, đó là sự khác biệt, là nét đặc thù phân biệt Như Lai  là  một  vị A-La-Hán Chánh Ðẳng Giác với vị đệ tử là bậc A-La-Hán giải thoát nhờ tuệ giác"[7].

Khi truyền đạt Pháp (Dhamma) cho hàng đệ tử, Ðức Phật không có sự phân biệt nào đối với họ; vì hoàn toàn không có những vị đệ tử được đặc chọn trong giáo Pháp của Ngài. Trong số các vị đệ tử thuần thành của Ðức Phật, hầu hết là các bậc A-La-Hán, đã giải thoát khỏi các dục vọng, đã cắt đứt những kiết sử trói buộc họ vào vòng luân hồi, và về phương diện thanh tịnh tự thân các vị đều hoàn mãn như nhau. Tuy thế cũng có các vị đệ tử vượt trội hơn, đó là về phương diện tri kiến và thực hành có một số vị thiện xảo hơn các vị khác, và do những tài năng cá biệt này của họ mà các vị ấy được đặt vào những địa vị xuất chúng, nhưng bậc Ðạo Sư không vì thế mà ban những đặc ân cho một người nào. Chẳng hạn Tôn giả Upàli là người xuất thân từ gia đình một người thợ hớt tóc, được đặt vào hàng đệ nhất tinh thông giới luật hơn rất nhiều vị A-La-Hán khác thuộc giai cấp quý tộc và chiến sĩ.

Thậm chí không có dấu hiệu nào cho thấy rằng bậc Ðạo Sư sẽ phó thác giáo Pháp (Sàsana) cho ai hoặc chỉ định vị nào thay thế Ngài trước khi nhập diệt. Liên quan đến sự kiện này, một điều ghi nhận khá thú vị là Ðức Phật trước lúc nhập diệt, đã giải thích rõ cho hàng đệ tử của Ngài biết là chưa bao giờ Ngài nghĩ đến việc lãnh đạo Tăng Ðoàn, huống nữa là phó thác nó cho một ai khác. Gọi các Tỳ khưu đang vây quanh Ngài trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Ðức Phật nói:

"Này các Tỳ khưu, Pháp và Luật (Dhamma-Vinaya) mà Như Lai đã giảng giải và công bố cho các con, sau khi Như Lai nhập diệt hãy lấy Pháp và Luật đó làm thầy của các con"[8].

Ngay cả lúc Ngài còn tại thế cũng vậy, chính Pháp và Luật này đã lãnh đạo và hướng dẫn chư Tăng. Ngài không phải là người thống trị. Con Ðường Cổ Xưa của Chư Phật - Bát Chánh Ðạo - là con đường, là lời dạy dành cho những người yêu mến giải thoát.
Ðức Phật xuất hiện vào thời điểm mà chế độ chuyên quyền đang thịnh hành ở Ấn Ðộ. Trong khi đó những lời dạy của Ngài lại có phần đe doạ đến một chính sách cai trị chuyên quyền như vậy. Tuy nhiên Ðức Phật không bao giờ can dự vào chính trường hay chính quyền của đất nước, vì Ngài không phải là người thích can thiệp vào những chuyện mà ở đó sự can thiệp này được coi là vô ích, thế nhưng điều đó không ngăn cản Ngài nói lên những tư tưởng và quan điểm dân chủ của mình. Những lời dạy của Ðức Phật rõ ràng đã khuyến khích những lý tưởng và thể chế dân chủ. Mặc dù Ðức Phật tránh không can dự vào triều chính hiện hành lúc ấy, Ngài vẫn tổ chức Tăng Ðoàn (Sangha) cộng đồng các vị Tỳ khưu, theo một thể chế tuyệt đối dân chủ.

Nét đặc thù khác, là phương pháp giảng dạy giáo Pháp (Dhamma) của Ðức Phật. Ðức Phật không tán thành những ai tự nhận có "giáo lý bí truyền"; cách ngôn nói rằng: "Sự bí mật là dấu hiệu của một giáo lý hư nguỵ". Trước khi nhập diệt Ðức Phật gọi Tôn giả Anandà (thị giả của Ngài) nói rằng: "Như Lai đã giảng dạy Pháp (Dhamma), này Ànanda, không có phân biệt nào giữa giáo lý công khai và giáo lý bí truyền (hiển giáo và mật giáo), đối với chân lý, này Ànanda, Như Lai không có gì để được coi là một vị Ðạo Sư có nắm tay (nắm chặt) như vậy, nghĩa là người muốn dấu những pháp cơ bản không giảng dạy cho hàng đệ tử". Ðức Phật công bố giáo pháp một cách công khai và bình đẳng cho tất cả mọi người. Ngài không giữ lại điều gì và cũng không bao giờ muốn bòn rút đức tin mù quáng và dễ sai bảo của hàng đệ tử đặt ở nơi Ngài. Ðức Phật đòi hỏi những người theo Ngài phải có sự suy xét sáng suốt và sự thẩm tra kỹ càng. Trong bài kinh thường được gọi một cách chính xác là"Bản hiến chương đầu tiên về tự do tư tưởng", bằng những lời lẽ rõ ràng và mạnh mẽ Ðức Phật đã thúc giục những người Kàlàmas đang trong tình trạng hoài nghi và phân vân, cần phải thẩm xét đến nơi đến chốn tất cả mọi vấn đề.

Tóm tắt bài kinh như sau:

Kesaputta là một thị trấn nhỏ nằm trong vương quốc Kosala. Cư dân của thị trấn này thường được gọi là những người Kàlàmas. Khi họ nghe nói rằng Ðức Phật đã đến tại thị trấn của họ, mọi người rủ nhau đến gặp Ngài để xin lời chỉ dẫn, họ nói:

"Bạch Ðức Thế Tôn, có một số Sa-Môn và Bà-La-Môn đến thăm Kesaputta. Họ dẫn giải đầy đủ quan điểm riêng của họ nhưng lại phỉ báng, khinh miệt, bài xích quan điểm của người khác. Những Sa-Môn và Bà-La-Môn khác khi đến Kesaputta cũng làm y như vậy. Bạch Ðức Thế Tôn, chúng con hoài nghi, chúng con phân vân không biết ai trong số các vị đáng kính đó nói đúng sự thật và ai nói lời giả dối".

"Này các Kàlàmas, các con hoài nghi như vậy là phải, các con phân vân như vậy là phải, sự hoài nghi đó phát sanh trong một vấn đề đáng phải hoài nghi.

Này các Kàlàmas, chớ để bị dẫn dắt bởi những lời đồn hay bởi truyền thống, chớ để bị dẫn dắt bởi những lời người khác nói, chớ để bị dẫn dắt bởi những gì ghi lại trong Kinh điển, bởi lý luận hay suy diễn, bởi xét đoán bề ngoài, bởi tán thành một lý thuyết nào đó, bởi lòng tôn trọng "vị Sa-Môn này là thầy ta". Mà này các Kàlàmas, khi các con tự mình biết rõ: "Những pháp này là bất thiện, những pháp này đáng bị khiển trách và bất lợi". Lúc ấy các con hãy từ bỏ chúng...".

"Và này các Kàlàmas, khi nào các con tự mình biết rõ: 'Những pháp này là thiện, những pháp này là không lỗi và có lợi', lúc ấy các con hãy tiếp nhận và an trú trong pháp đó".

Kế tiếp Ðức Phật hỏi họ như sau:

 "Bây giờ, này các Kàlàmas, các con nghĩ thế nào, khi tham, sân, si khởi lên trong một người nào tham, sân, si ấy khởi lên đem lại lợi ích hay đem lại thiệt hại cho họ? Tham, sân, si ấy có tội hay không có tội?".

"Bạch Ðức Thế Tôn! Tham, sân, si ấy đem lại thiệt hại cho họ và có tội".

"Bây giờ các con nghĩ thế nào. Này các Kàlàmas, khi vô tham, vô sân, vô si ấy khởi lên đem lại lợi ích hay thiệt hại cho họ? Chúng có tội hay vô tội?".

"Có lợi ích cho họ và vô tội, bạch Ðức Thế Tôn".

"Vậy thì, này các Kàlàmas, như lời Như Lai nói vừa rồi: Chớ để bị dẫn dắt bởi lời đồn ... an trú trong đó". Lý do được nói đến là như vậy"[9].

Niềm tin vô căn cứ hoàn toàn không có chỗ đứng trong tinh thần của đạo Phật. Vì thế chúng ta tìm thấy đoạn đối thoại này giữa bậc Ðạo Sư và hàng đệ tử của Ngài.

"Này các Tỳ khưu, bây giờ nếu do biết rõ điều này, do lưu giữ điều này các con có nói: 'Chúng ta tôn kính bậc Ðạo Sư của chúng ta và do kính trọng Ngài chúng ta phải kính trọng những gì Ngài dạy' hay không?".

"Thưa không, bạch Ðức Thế Tôn".

"Này các Tỳ khưu, có phải các con chỉ xác nhận những gì các con đã tự mình nhận thức, tự mình thấy rõ và hiểu rõ không?".

"Thưa vâng, bạch Ðức Thế Tôn[10]".

 Và phù hợp với thái độ thẩm xét hết sức đúng đắn này, trong một chuyên luận của đạo Phật về Logic có nói: "Ví như người có trí thử vàng bằng cách đốt nóng trên lửa, bằng cách cắt và chà nó (trên một loại đá thử vàng), các người cũng nên như vậy, chỉ chấp nhận những gì Ta nói sau khi đã xem xét chúng, đã thẩm xét kỹ lưỡng chứ không chấp nhận vì lòng tôn kính Ta"[11].

Ðạo Phật không hề có sự bắt buộc hay cưỡng bức và cũng không đòi hỏi tín đồ phải tin theo một cách mù quáng. Ngay từ đầu hẳn những người theo chủ nghĩa hoài nghi sẽ cảm thấy hài lòng với lời kêu gọi suy xét kỹ lưỡng trước khi tin của đạo Phật. Ðạo Phật trước sau như một, được mở ra cho những ai có mắt muốn thấy và có tâm muốn hiểu biết.

Một lần nọ khi Ðức Phật đang trú tại khu vườn Xoài ở Nàlandà. Lúc ấy một đệ tử trung kiên của phái Ni Kiền Tử (Niganthanàtaputta) đi đến gặp Ðức Phật với chủ định tranh luận với Ngài và sẽ đánh bại Ngài trong cuộc tranh cãi này. Ðề tài tranh luận là về nghiệp báo (Kamma) mà cả Ðức Phật và Mahàvìra (phái Ni kiền Tử) đều tuyên bố, mặc dù quan điểm của mỗi bên rất khác biệt. Vào lúc kết thúc buổi thảo luận hết sức thân thiện ấy, Upàli bị khuất phục trước những lý luận của Ðức Phật. Ðồng ý với những quan điểm của Ngài và sẵn sàng trở thành tục gia đệ tử (Upàsaka) nếu Ngài cho phép. Tuy thế để cảnh báo ông, Ðức Phật nói: "Ðối với chân lý, này gia chủ, hãy chính chắn suy tư. Thật là điều tốt đẹp với một người có tiếng tăm lớn như ông nên suy xét chín chắn trước khi quyết định một điều gì". Song, Upàli lại càng thoả thích và hoan hỉ nhiều hơn với Ðức Phật vì những lời cảnh báo như vậy và ông xin quy y Ðức Phật, Giáo Pháp và Chư Tăng[12].

Ðoạn trích dẫn trên rõ ràng đã giải thích rằng Ðức Phật không màng đến chuyện thu nhận đệ tử, ngoại trừ những trường hợp tự nguyện do nhận thức của họ -- đây là bài học mà có lẽ các nhà truyền giáo hiện nay nên học.

Ðức Phật không bao giờ can thiệp vào tự do tư tưởng của người khác; vì tự do tư tưởng là quyền tự nhiên của mỗi cá nhân. Thật là bất công khi buộc người khác không được sống theo nhân sinh quan của họ, theo cá tính và những khuynh hướng tâm linh của họ. Sự cưỡng bức dù bằng hình thức nào cũng không tốt. Hình thức cưỡng bức dã man nhất có lẽ là buộc một người phải tiêu hoá thứ tín ngưỡng mà họ không thích; món ăn ép buộc như vậy chắc chắn không đem lại lợi ích cho ai cả, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Chủ đích duy nhất của Ðức Phật là làm sao cho mọi người thấy rõ rằng thực tánh của các pháp (thấy các pháp như chúng thực sự là) không phải là kết quả của đức tin suông, của sự sợ hãi một đấng quyền năng bên ngoài nào, hoặc là con người, hoặc là một đấng Siêu Việt hơn con người hay thậm chí thấp kém hơn con người (Ma, Quỷ). Trong việc tuệ tri các pháp, đức tin và sợ hãi không đóng bất cứ một vai trò quan trọng nào trong tư tưởng Phật giáo. Sự thực của Pháp (Dhamma) chỉ có thể được nắm bắt qua tuệ giác, chứ không bao giờ qua đức tin mù quáng hay qua sự sợ hãi một chúng sanh mà chúng ta biết hay không biết bao giờ. Lịch sử các tôn giáo đã cho thấy rằng chính sự sợ hãi và vô minh của con người đã tạo ra cái ý niệm về một đấng quyền năng bên ngoài; và một khi ý niệm đó đã thành hình, con người trở lại sống trong nỗi sợ hãi đối với chính sản phẩm tưởng tượng của mình và rồi tạo ra những nguy hại không lường cho chính bản thân họ và đôi lúc cho cả người khác nữa.

Hướng dẫn chư Tỳ khưu, Ðức Phật nói: "Này các Tỳ khưu, những ai chỉ đơn thuần có đức tin nơi Như Lai, chỉ đơn thuần có lòng thương mến Như Lai, những người ấy chắc chắn sẽ được tái sanh vào cõi an vui (nhưng họ không thể đạt đến sự giải thoát cuối cùng) những ai nỗ lực hành trì Pháp (Dhamma), những ai quyết chí bước lên đạo lộ, những người ấy chắc chắn sẽ giác ngộ, sẽ chứng đắc vô sanh"[13].

Ðây là những lời chỉ dẫn rõ ràng cho thấy rằng Ðức Phật không muốn những người theo mình chấp nhận bất cứ điều gì một cách phi lý và thiếu sáng suốt.

Ðức Phật không chỉ ngăn cản đức tin mù quáng, sự sợ hãi đấng toàn năng coi đó như không phù hợp để tiếp cận sự hiểu biết chân lý, mà Ngài còn lên án việc chấp chặt vào những lễ nghi vô bổ. Bởi vì chỉ bỏ những hình thức bên ngoài như tắm nước sông để rửa tội, hiến tế thần linh bằng cách giết súc vật và những hành động tương tự khác, không có khuynh hướng làm cho con người thanh tịnh, không làm cho con người trở nên thánh thiện và cao quí được. Chúng ta tìm thấy đoạn đối thoại này giữa đức Phật và Bà-La-Môn Sundarìka Bhàradvàja.

Một hôm Ðức Phật gọi các Tỳ khưu lại và giải thích tường tận như thế nào một người đi tìm giải thoát cần phải tự đào luyện mình. Và Ngài thêm rằng một người mà tâm họ không còn những cấu uế. Ðời phạm hạnh của họ đã thành mãn, việc cần làm đã làm xong, có thể được gọi là người đã gội rửa sạch bên trong.

Khi ấy Bhàradvàja ngồi không xa Ðức Phật, nghe được những lời này và bạch hỏi Ngài:
"Sa-Môn Gotama có đi tắm nước sông Bàhuka không?".

"Này Bà-La-Môn, tắm sông Bàhuka có lợi ích gì?".

"Thưa Tôn giả Gotama, sông Bàhuka được nhiều người tin là con sông rất linh thiêng, nhiều người đã tẩy sạch những ác nghiệp (pàpa) của họ trong sông Bàhuka này".

Ðức Phật liền giải thích cho ông ta hiểu rằng việc tắm trong các con sông như vậy chắc chắn sẽ không tẩy sạch được những nhơ bẩn của điều ác, và Ngài chỉ dẫn thêm:

 "Hãy tắm ngay tại đây
Trong Pháp và Luật này
Chúng sanh được an ổn
Này hỡi Bà-La-Môn
Nếu ông không nói dối
Hoặc sát sanh, trộm cắp
Nếu ông có tịnh tín
Và sống không đê tiện
Lợi ích gì cho ông
Mà phải đến Gayà
[14]
Giếng nước ông ở nhà
Cũng là một Gayà"
[15].

Ðức Phật công bố một con đường (giải thoát) không có những hình thức mê tín và tàn ác, Ngài buộc những người bước lên con đường đó không thể xử sự dù bằng bất cứ hình thức nào, gây nguy hại đến sự an vui và hạnh phúc của chúng sanh, bằng cách ngăn cấm mọi sự áp bức, tước đoạt và cướp bóc.

Vậy thì đạo Phật là gì?

Một số người thích gọi những lời dạy của Ðức Phật là một Tôn giáo, số khác gọi là một triết lý, cũng có người nghĩ những lời dạy của Ðức Phật vừa mang tính chất Tôn giáo, vừa mang tính triết lý. Tuy nhiên, chính xác hơn có thể gọi đó là một "lối sống". Nhưng gọi như vậy không có nghĩa rằng đạo Phật không có gì khác ngoài luân lý. Trái lại, đạo Phật là một đường lối tu tập gồm ba phương diện: Giới Hạnh, Tinh Thần và Tri Thức  (Giới, Ðịnh, Tuệ)  nhằm  dẫn  đến  tâm  giải  thoát viên mãn. Chính Ðức Phật đã gọi những lời dạy của Ngài là Pháp và Luật (Dhamma -- Vinaya). Thế nhưng đạo Phật, trong ý nghĩa nghiêm túc nhất của từ, không thể được gọi là một Tôn giáo, vì nếu Tôn giáo hàm ý "hành động hay tư cách đạo đức biểu thị lòng tin nơi sự tôn kính đối với và ước muốn làm vừa lòng một đấng quyền năng thiêng liêng nào đó; là việc thực hành hay thể hiện những lễ nghi, sự vâng giữ những điều răn..., là sự nhìn nhận của con người về một đấng quyền năng vô hình và cao cả nào đó như có quyền kiểm soát vận mạng của họ và xứng đáng được tôn sùng, kính trọng và tôn thờ"[16]. Thì Phật giáo chắc chắn không phải là thứ Tôn giáo như vậy.

Trong tư tưởng Phật giáo, không chấp nhận hay tin tưởng có sự hiện hữu của một đấng sáng tạo, dù bằng bất cứ hình thức nào, nắm quyền thưởng phạt những việc làm thiện ác của các chúng sanh do vị ấy tạo ra. Người Phật tử nương tựa nơi Ðức Phật (Buddham saranam gacchàmi) nhưng không với hy vọng rằng họ sẽ được bậc Ðạo Sư cứu độ. Hoàn toàn không có sự bảo đảm như vậy. Ðức Phật chỉ là người thầy khai thị con đường và hướng dẫn những người theo mình đi đến sự giải thoát cá nhân của họ.
Một tấm bảng chỉ đường ở ngã ba chẳng hạn, là để chỉ hướng đi, phần còn lại của người lữ hành là bước theo con đường, cẩn trọng từng đường đi nước bước của mình. Tấm bảng chắc chắn không đưa họ đến nơi mong muốn được.

Nhiệm vụ của người lương y là chẩn bệnh và bốc thuốc, phần còn lại của bệnh nhân là uống thuốc. Thái độ của Ðức Phật đối với những người theo Ngài cũng giống như thái độ của một vị thầy hay của một vị lương y đầy lòng bi mẫn và trí tuệ vậy.
Người phật tử tỏ lòng tôn kính rất mực đối với những con người siêu việt, những con người vĩ đại, mà bằng sự thấu triệt chân lý của họ, đã quét sạch vô minh và bứng gốc mọi phiền não. Những người đã thấu thị chân lý là những bậc cứu độ thực sự, song người Phật tử không cầu nguyện họ. Người Phật tử chỉ tôn kính các bậc đã khai thị chân lý, đã chỉ ra con đường đi đến chân hạnh phúc và giải thoát tối thượng. Hạnh phúc là cái mà mỗi người phải tự thành tựu cho chính mình, không ai có thể làm cho ta cao quý hơn hoặc thấp hèn hơn, như Pháp Cú có câu:

"Tự mình làm điều ác
Tự mình làm ô nhiễm,
Tự mình không làm ác
Tự mình làm thanh tịnh
Tịnh, không tịnh tự mình,
Không ai thanh tịnh ai".

Trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời, giữa hai cây Sàla tại Kusinàra, Ðức Phật 80 tuổi già ngắm nhìn những bông hoa rơi rắc cúng dường Ngài lần cuối, đã nói với Anandà như vầy: "...như thế không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai. Này Ànanda, nếu có Tỳ khưu, Tỳ khưu Ni, hay nam nữ cư sĩ nào thành tựu chánh pháp và sống tùy pháp, sống chơn chánh trong chánh pháp thì người ấy đã kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ànanda, hãy thành tựu chánh pháp và tuỳ pháp, sống chơn chánh trong Pháp và hành trì đúng chánh pháp. Này Ànanda, các người phải học tập như vậy"[17]. Lời khuyến hoá sống tuỳ thuận chánh pháp này của Ðức Phật đã chỉ rõ cho thấy rằng vấn đề tối trọng vẫn là tu tập tâm và chánh hạnh trong lời nói và việc làm, chứ không chỉ đơn thuần cúng dường hương hoa đến các bậc Giác Ngộ. Sống chân chánh theo giáo Pháp là điều mà Ðức Phật thường xuyên nhấn mạnh.

Như vậy khi người Phật tử cúng dường hương hoa, đèn nến trước kim thân Ðức Phật hay một đối tượng thiêng liêng nào đó, và suy gẫm đến những ân đức cao quý của Phật, mà không hề cầu nguyện một ai cả. Những việc làm như vậy không mang tính chất sùng bái hay lễ nghi mê tín. Những bông hoa đó chẳng bao lâu sẽ úa tàn, những ngọn nến kia rồi sẽ tắt lịm như để nói với họ, nhắc nhở họ về tính chất vô thường của vạn pháp. Hình tượng đối với người Phật tử là một đề mục tập trung là một đề mục để hành thiền; từ nơi kim thân của Ðức Phật người Phật tử tìm được sự truyền cảm và khích lệ để noi theo những phẩm hạnh cao quý của Ngài. Ðối với những ai không hiểu được ý nghĩa của việc cúng dường đơn giản này, có thể kết luận một cách vội vàng: "Ðây cũng là sự sùng bái ngẫu tượng". Quả thực không có gì hồ đồ hơn thế vậy.
Jawaharlal Nehru trong tự truyện của mình có viết:

"Tại Anuràdhapara[18], tôi thích nhất bức tượng Phật cổ ở tư thế ngồi. Một năm sau đó, khi tôi đến làm việc tại Dehra Dun Gaol, một người bạn ở Tích Lan (ceylon) đã gởi cho tôi bức hình chụp pho tượng này và tôi kính cẩn đặt nó trên chiếc bàn nhỏ trong phòng làm việc của tôi. Kể từ đó bức hình trở thành người bạn đồng hành quý giá đối với tôi, những nét an lạc và tĩnh mặc của Ðức Phật đã xoa dịu, làm tăng nghị lực và giúp tôi vượt qua những giai đoạn ưu phiền của cuộc đời"[19].

Tiến Sĩ Ouspensky, nhìn một bức tượng Phật trong tu viện gần núi Mount Lavinia ở Srilanka đã viết:

"Khuôn mặt của Ðức Phật rất là sinh động, mặc dù Ngài không nhìn thẳng vào tôi, nhưng có lẽ Ngài thấy tôi. Thoạt tiên tôi không cảm thấy gì cả ngoại trừ sự kinh ngạc. Tôi không trông đợi và cũng không thể ngờ là có một điều gì đó như thế này. Nhưng chẳng bao lâu sự kinh ngạc ấy cùng những cảm giác và tư tưởng khác chợt tan biến vào trong những cảm xúc lạ lùng và mới mẻ: Ðức Phật nhìn tôi, Ngài thấy trong tôi cái mà chính bản thân tôi không thể thấy được, tất cả những gì tiềm ẩn trong phần sâu kín nhất của tâm hồn tôi. Và dưới cái nhìn của Ngài, cái nhìn như thể truyền đạt đến tôi một điều gì đó, tôi cũng bắt đầu thấy được tất cả những điều ấy nữa. Tất cả  những gì  nhỏ  nhoi, khó chịu và phiền muộn đều hiện lên trên bề mặt và tự nó phô bày ra dưới cái nhìn này. Khuôn mặt của Ngài thật là an tịnh, nhưng không phải không biểu lộ cảm xúc mà ở đó tràn đầy tình cảm và tư duy sâu kín. Ngài đang nằm đó lắng sâu trong sự trầm tư và tôi đã đến, đã mở toang những cánh cửa và đứng trước Ngài, giờ đây Ngài đang miễn cưỡng xét đoán tôi. Nhưng! cái nhìn của Ngài hoàn toàn không có ý khiển trách hay chê bai gì cả. Cái nhìn của Ngài nghiêm nghị, định tĩnh và thấu suốt một cách lạ lùng. Tôi cố gắng tự hỏi mình xem khuôn mặt của Ngài đang bộc lộ điều gì, nhưng tôi nhận ra rằng thật khó có thể trả lời. Khuôn mặt của Ngài không lạnh lùng cũng chẳng lãnh đạm. Ngược lại, nếu nói rằng trên đó bộc lộ sự nhiệt tình, bao dung hay bi mẫn cũng hoàn toàn không đúng. Tất cả những điều ấy dường như quá nhỏ để mô tả về Ngài. Tuy nhiên nếu nói rằng khuôn mặt của Ðức Phật biểu lộ vẻ cao quý siêu nhiên hay trí tuệ siêu phàm thì lại càng không đúng. Vâng, đó là khuôn mặt rất người, nhưng đồng thời là khuôn mặt mà con người không phải ngẫu nhiên có được. Tôi cảm thấy rằng ngôn từ mà tôi có thể có sẵn này nếu dùng cho việc diễn tả khuôn mặt của Ngài thì thật là sai lầm. Ðiều duy nhất tôi có thể nói: khuôn mặt của Ngài là sự thể hiện của trí tuệ".

"Cùng lúc ấy tôi bắt đầu cảm nhận một hiệu quả kỳ lạ mà khuôn mặt của Ðức Phật đã tạo ra cho tôi. Tất cả sự lờ mờ phát xuất từ chiều sâu của tâm hồn tôi dường như chợt sáng tỏ. Làm như khuôn mặt của Ðức Phật đã truyền cho tôi sự an tịnh của nó. Những điều từ trước đến nay đã làm cho tôi phiền muộn, những điều đối với tôi có vẻ nghiêm túc và quan trọng, giờ đây trở nên quá tầm thường, vô nghĩa và không đáng để quan tâm, rằng tôi chỉ tự hỏi tại sao những điều ấy lại có thể từng ảnh hưởng đến tôi được như vậy! Tôi nghĩ rằng cho dù một người khi đến đây với những ý nghĩ và cảm xúc khó chịu, phiền muộn, bực bội và bị giằng xé bởi những tư tưởng trái ngược đến thế nào chăng nữa thì khi họ ra đi cũng mang theo sự an tịnh, giác ngộ và hiểu biết. . . . ."[20]
Còn về vấn đề đạo Phật có phải là một triết lý hay không, điều này tuỳ thuộc vào sự định nghĩa của từ; và cho dù người ta có thể đưa ra một sự định nghĩa mà định nghĩa này sẽ bao trùm tất cả mọi hệ thống tư tưởng có tính triết lý hiện có, thì điều này cũng thật đáng ngờ. Triết lý (Philosophy) theo từ nguyên có nghĩa là yêu mến (Gr. Philein) trí tuệ (Sophia). "Triết lý vừa là đi tìm trí tuệ và vừa là trí tuệ đi tìm". Trong tư tưởng Ấn Ðộ triết lý được định danh là Darsana, minh thị chân lý. Tóm lại, mục đích của triết lý phải là khám phá ra sự thực tối hậu (chân lý).

Ðạo Phật cũng chủ trương đi tìm chân lý, nhưng sự đi tìm này không đơn thuần là suy lý, một cấu trúc có tính lý thuyết, một sự thu thập và tồn trữ tri kiến đơn thuần. Ðức Phật nhấn mạnh đến phương diện thực hành những lời dạy của Ngài, đến việc áp dụng tri kiến vào cuộc  sống, nhìn  vào  bản chất của cuộc sống chứ không chỉ nhìn vào nó trên bề mặt.

Ðối với Ðức Phật, toàn bộ những lời dạy của Ngài chỉ nhằm để hiểu về bản chất bất toại nguyện (khổ) của mọi hiện hữu duyên sinh và để tu tập con đường đi ra khỏi sự khổ đau này. Ðây là "triết lý" của Ngài.

Trong đạo Phật trí tuệ là quan trọng tối thượng, vì sự thanh tịnh có được là nhờ trí tuệ, do trí tuệ [21]. Nhưng Ðức Phật không bao giờ tán thán tri thức suông. Theo Ngài, trí phải luôn luôn đi đôi với thanh tịnh tâm, với sự toàn hảo về Giới (Vijjà caranasampanna: Minh Hạnh Túc)Trí tuệ đạt được do sự hiểu biết và phát triển các phẩm chất của tâm là trí, là trí tuệ siêu việt (Bhàvanà-mayà pannà: Trí tuệ do tu tập mà thành). Ðó là trí tuệ giải thoát chứ không phải là sự lý luận hay suy luận suông. Như vậy hẳn đã rõ rằng đạo Phật không chỉ là yêu mến trí tuệ, không xúi giục đi tìmtrí tuệ, không có sự sùng bái trí tuệ (mặc dù những điều này có ý nghĩa của nó và liên quan đến sự sống còn của nhân loại), mà đạo Phật chỉ khích lệ việc áp dụng thực tiễn những lời dạy của Ðức Phật nhằm dẫn người theo đến sự xả ly, giác ngộ và giải thoát cuối cùng.

Dù rằng chúng ta gọi những lời dạy của Ðức Phật là "Phật giáo" (Buddhism), như vậy đã bao gồm những lời dạy ấy vào trong số các "chủ thuyết"và "học thuyết", thực ra chúng ta có gán cho nó là gì cũng không thành vấn đề. Gọi đó là Tôn giáo, là triết lý, là Phật giáo hay bằng bất cứ tên gọi nào khác mà bạn thích. Những nhãn hiệu này không quan trọng lắm đối với một người đi tìm chân lý giải thoát.

Khi Upatissa và Kolita (sau này trở thành Sàriputta "Xá Lợi Phất" và Moggallàna "Mục Kiền Liên" là hai vị đại đệ tử của Ðức Phật) đang lang thang đi tìm chân lý giải thoát, Upatissa nhìn thấy Tôn giả Assaji (một trong năm vị đệ tử đầu tiên của Ðức Phật) đang trên đường đi khất thực. Upatissa bị chấn động mạnh bởi phong cách đi đứng trang nghiêm của Trưởng lão. Nghĩ rằng lúc ấy không phải thời để hỏi thăm nên Upatissa lặng lẽ đi theo đến nơi nghỉ trưa của vị ấy, rồi tiến lại gần, nói lời xả giao và hỏi thăm về giáo pháp mà bậc Ðạo Sư của vị ấy đã dạy. Tôn giả Assaji ngại phải dài dòng nên khiêm tốn nói: "Bần đạo không thể dẫn giải hết ý nghĩa của Pháp và Luật, song bần đạo có thể tóm tắt ý nghĩa này cho đạo hữu". Câu trả lời của Upatissa thật thú vị: "Vâng, thưa Tôn giả, ít hay nhiều gì cũng được, điều mà tôi đang mong mỏi chỉ là ý nghĩa. Tại sao cần phải nhiều lời chứ?". Khi ấy Tôn giả Assaji lập lại một bài kệ được xem là bao trùm toàn bộ giáo lý của Ðức Phật về sự tương quan nhân quả.

"Ye dhammà hetuppabhavà - tesam hetum tathà gato àha.
Tesam ca yo nirodho - evam vàdi mahà samano".
"Các pháp phát sanh do nhân
Nhân ấy Như Lai đã nói rõ
Ngài cũng minh thị sự diệt tận của nó
Ðây lời dạy của bậc đại Sa-Môn".

Ngay lập tức Uptissa thấu triệt nghĩa lý và đạt đến tầng chứng ngộ đầu tiên (sơ quả), tuệ tri "bất cứ pháp nào có bản chất sanh, tất cả các pháp ấy đều có bản chất hoại diệt" (Yamkinci samudaya dhammam sabbamtam nirodhadhammam)[22].

Nói và luận bàn nhiều đến đâu chăng nữa cũng không trực tiếp đưa chúng ta đến chánh kiến giải thoát. Ðiều chúng ta cần là sự chỉ dẫn đúng đắn và hiểu biết đúng đắn. Chúng ta thậm chí còn có thể học được những bài học từ nơi thiên nhiên, từ cây cỏ, lá hoa, từ cát đá và sông nước. Có rất nhiều trường hợp cho thấy các bậc tiền bối xưa giác ngộ và giải thoát khỏi các cấu uế chỉ nhờ quan sát một chiếc lá rơi, một dòng nước chảy, một đám cháy rừng, sự phụp tắt của một ngọn đèn. Những sự kiện này đã đánh đúng vào tâm trạng của họ, và nhờ trực nhận bản chất vô thường của các pháp mà họ đạt đến giải thoát. Vâng, đoá sen kia đang chờ ánh nắng mặt trời, và ngay khi mặt trời chiếu sáng thì chúng cũng khai mở để đem lại niềm hân hoan cho mọi người.

Ở đây, trong giáo pháp này, mọi cố gắng không phải để truy tìm nguồn gốc tối hậu của con người và vạn pháp -- mọi cố gắng không phải để điều tra về vấn đề: "Thế gian là thường hay không thường? Là hữu biên hay vô biên?".

Ðức Phật không quan tâm đến những vấn đề siêu hình, những vấn đề chỉ làm bối rối con người và làm đảo lộn sự cân bằng của tâm trí họ như vậy. Sự giải quyết của chúng chắc chắn sẽ không giải thoát nhân loại khỏi những ác nghiệp và khổ đau. Ðó là lý do tại sao Ðức Phật do dự khi phải trả lời những câu hỏi như vậy, và đôi lúc phải tránh giải thích những câu hỏi thường được đặt ra một cách sai lầm. Ðức Phật là một bậc Thầy thực tiễn, mục đích duy nhất của Ngài là giải thích tường tận về vấn đề khổ (Dukkha), sự kiện phổ quát của cuộc đời, làm cho mọi người cảm nhận được ảnh hưởng mạnh mẽ của nó và trực nhận sự thực của muôn đời này. Ðức Phật đã nói rõ cho chúng ta biết những gì Ngài cần giải thích và những gì Ngài sẽ không bao giờ giải thích[23].
Tuy nhiên một số học giả không đánh giá đúng thái độ của bậc Ðạo Sư, thậm chí còn tỏ ra hoài nghi về sự kiện giác ngộ của Ngài và gán cho Ngài nhãn hiệu là "Bất Khả Tri" (Agnostic). Các nhà học giả thường thích lý luận và tư biện, đây không phải là những vấn đề chỉ xảy ra hôm nay mà nó đã từng phát sanh vào thời Ðức Phật còn tại thế. Chẳng hạn Sakuludàyi, một Du Sĩ ngoại đạo, đã hỏi Ðức Phật về những vấn đề liên quan đến quá khứ và tương lai. Câu trả lời của Ðức Phật rất là minh bạch:

"Hãy để yên quá khứ, hãy để yên vị lai, Như Lai sẽ dạy pháp cho ông:
Khi cái này có mặt, cái kia có mặt.
Do cái này sanh, cái kia sanh.
Khi cái này không có, cái kia cũng không có
Do cái này diệt, cái kia diệt".

Tóm lại, đây là Giáo lý của đạo Phật về tánh duyên khởi hay pháp Tuỳ Thuộc Phát Sanh (Paticca samup-pàda). Giáo lý này tạo thành nền tảng củaTứ Thánh Ðế, chân lý trung tâm của đạo Phật.

--ooOoo--

Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14


[1] S.III. 138
[2] Dhp. 160.
[3] M.38.
[4] Dhp 276.
[5] M. 26
[6] A-La-Hán "Bậc Ưng Cúng", một trong những danh hiệu áp dụng đặc biệt cho Ðức Phật và các vị đệ tử đã hoàn tất phận sự.
Như Kinh Ðiển đã nói rõ, chính Ðức Phật là người dùng từ này lần đầu tiên để chỉ một vị Phật. Ðó là khi Ngài đang du hành từ Gayà đến Bàrànasì để tuyên bố bài pháp đầu tiên (Chuyển Pháp Luân) cho năm vị Kiều Trần Như. Trên đường đi, không xa khỏi Gayà. Upaka, một du sĩ ngoại đạo đã gặp Ðức Phật, kinh ngạc trước vẻ thanh khiết của (bậc Ðạo Sư). Upaka đã hỏi. "Ðạo sư của hiền giả là ai? Hiền giả thọ trì giáo pháp của ai?".
Bằng những vần kệ, Ðức Phật trả lời:
-"Ta không có Ðạo Sư
Bậc như Ta không có"
-"Giữa thế giới nhân thiên
Không có ai bằng Ta".
-"Bậc Ưng Cúng trên đời
Bậc Ðạo Sư vô thượng".
Ngài dùng từ đó lần thứ hai khi nói với năm vị Kiều Trần Như: "Ta là một vị A-La-Hán -- đức Như Lai Chánh Ðẳng Giác".
Từ này chỉ dùng để gọi các vị đã tận diệt hoàn toàn các lậu hoặc. Theo nghĩa này, Ðức Phật là vị A-La-Hán đầu tiên trên thế gian như chính người đã tỏ lộ cho Upaka.
[7] S.III. 66.
[8] D.16
[9] A.I. 188 Kinh 65.  A.II. kinh Bhaddiya 193.
[10] M.47.
[11] Jnànasàra-samuccaya 31.
[12] Upàli Sutta. M. 56.
[13] M.22
[14] Gayà: Tên một con sông ở Ấn Ðộ vào thời Ðức Phật.
[15] M.7.
[16] Theo tự điển Oxfort 1956.
[17] D.16
[18] Ở Sri Lanka (Tích Lan).
[19] Jawaharlal Nehru, tự nguyện (Johnlane, the Bodley Head London) tr. 271.
[20] P.D Ouspensky, A New Model of the Universe, Third Edition (Kegan Paul, London, 1938) pp. 360-72.
[21] S.I. 214
[22] Vinaya. I. 40.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét